Phổ biến tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực thủy sản

Nhiều tiến bộ kỹ thuật, giải pháp mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được giới thiệu, chuyển giao cho nông dân, các doanh nghiệp và HTX.

Ngày 13/11, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực thủy sản. Gần 150 cán bộ kỹ thuật của các TTKN, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Chi cục Thủy sản, Hiệp hội Thủy sản và nhiều nông dân, doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến tham dự.

Hội thảo cập nhật kết quả nghiên cứu nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đang được chuyển giao, áp dụng trong nuôi trồng, khai thác thủy sản và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật là nhiều mô hình, giải pháp ứng dụng hiệu quả và cách làm hay được giới thiệu đến các đơn vị, DN, hộ dân ở các địa phương.

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, kết quả nghiên cứu và công nghệ nổi bật trong giai đoạn 2015-2020 chương trình chọn giống cá tra nâng cao tăng trưởng đã có 60.000 cá tra hậu bị cung cấp cho các cơ sở SX giống ở ĐBSCL từ 2016-2020.

Thông qua chương trình đã xây dựng được hai mô hình SX giống tại DN với quy mô hàng hóa 50 triệu cá giống/mô hình/năm. Bên cạnh đó, các chương trình của Viện thành công trong tuyển chọn khoảng 5.000 cá tra giống kháng bệnh gạn thận mủ và ương nuôi lên cá hậu bị để phát tán cho các cơ sở SX cá giống…Riêng nuôi tôm nước lợ đưa ra quy trình nuôi năng suất cao, hạ giá thành, nâng cao chất lượng bền vững.

TP Cần Thơ thuận lợi với nguồn nước ngọt quanh năm, bên cạnh nuôi cá tra chủ lực nông dân đa dạng hóa nhiều đối tượng nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cá chạch, cá lóc, cá thát lát, cá cảnh, lươn, ếch, tôm càng xanh… và gần 290 ha vùng nuôi được xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP, BAP+ASC.

Đặc biệt việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới tạo đột phá mới trong mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, sử dụng giống tôm cang xanh toàn đực SX theo công nghệ Israel tạo ra đàn tôm cái giả cải thiện tốc độ tăng trưởng, hạn chế hao hụt, cho năng suất 1 tấn/ha, lợi nhuận tăng 35-40 triệu đồng/ha so với nuôi giống tôm càng xanh thông thường.  

Việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho thấy đạt nhiều tiến bộ nhằm nâng cao hiệu quả SX, tăng sức cạnh tranh và tạo cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, thúc đẩy tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

(Theo NNVN)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục