Khi con tôm sú tràn về ĐBSCL, người dân vùng ven biển của mảnh đất này ùn ùn bỏ lúa nuôi tôm. Con tôm phát triển nóng không quy hoạch, con giống, thức ăn. Mãi đến khi không còn nuôi được lại chuyển sang trồng lúa.
Buông bỏ cây trồng, vật nuôi này để chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác là cả một sự lựa chọn khó khăn.
Bỏ lúa nuôi tôm, bỏ tôm trồng lúa rồi đến để con tôm sống chung với lúa. Nghe rất đơn giản, nhưng chính người nông dân buộc phải lựa chọn một cách cam go. Ông Minh Trị, xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu năm nay đã hơn 70 tuổi nhớ lại: “Để có mô hình lúa tôm như thế này, nông dân chúng tôi phải chịu nhiều tiếng oan: Bỏ cây lúa gắn bó ngàn đời với nông dân để nuôi tôm. Rồi bỏ con tôm sú sang tôm thẻ. Rồi bỏ cả hai trở lại trồng lúa khi mà con tôm khó khăn. Giờ thì mô hình lúa - tôm đã khá bền vững rồi. Tôi thấy rất an tâm với mô hình này”.
Các nhà khoa học nói rằng, mô hình lúa - tôm là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, về phía người dân thấy lợi thì sản xuất. Bởi chẳng ai muốn bỏ đất cả. Mùa mưa, nước ngọt thì trồng lúa, mùa khô nước mặn thì nuôi tôm. Đan xen giữa hai mùa mưa nắng, nước lợ thì nuôi tôm càng.
Tại vùng phèn trũng thuộc các xã của huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng như: Mỹ Phước, Long Hưng, Hưng Phú… trước đây, nông dân chỉ biết có mỗi cây tràm là kinh tế chủ lực. Khi chương trình mía đường của Chính phủ được triển khai, các nhà máy đường trong tỉnh và khu vực bắt đầu mọc lên, cùng với đó là giá tràm giảm mạnh, khó bán, nên nông dân các xã này cũng sẵn sàng buông bỏ cây tràm để đến với cây mía và liên tục có lợi nhuận khá so với cây tràm.
Rồi giá mía lại trồi sụt thất thường, trong khi một số cây có múi như: Cam sành, cam xoàn, quýt đường… có giá cao, một số nông dân lại tiếp tục buông bỏ cây mía để đến với những loại cây có múi này và không ít người có thu nhập bạc tỉ chỉ sau 2 - 3 mùa thu hoạch.
Gần đây, giá cam, quýt thi nhau giảm dần, cộng thêm dịch bệnh phát sinh gây thiệt hại nặng, khiến không ít nông dân thất vọng muốn tìm đường buông bỏ. Và một số đã bắt đầu buông bỏ, họ muốn đưa cây tràm trở lại để thay thế cho 2 loại cây trồng trên vì hiện nay tràm đang rất có giá.
Hành trình của những cuộc buông bỏ trong nông dân gần như là bắt buộc bởi nó gắn liền với miếng cơm, manh áo và cả tương lai của gia đình họ. Và trong cuộc hành trình đó, dù không thiếu những thành công, nhưng nó cho thấy tính linh hoạt, sự nhạy bén của nhà nông, chứ không hẳn là họ không chịu, hay ít thay đổi như một số người thường nhận định.
(Theo BLĐ)