Ngày 22/4, phóng viên Dân việt có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về tác động của dịch Covid-19 tới tăng trưởng, xuất khẩu của ngành thủy sản và những định hướng chỉ đạo về sản xuất để tận dụng cơ hội khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Ông Trần Đình Luân cho biết, trong quý I/2020, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản và tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản vẫn tăng, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu giảm 14,2% so với cùng kỳ 2019.
Để ứng phó với dịch Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt, ngành thủy sản luôn bám sát thực tiễn và lên kế hoạch ứng phó chi tiết cho từng ngành hàng để đảm bảo duy trì tăng trưởng, xuất khẩu theo kế hoạch đã đặt ra cho năm 2020.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các mục tiêu mà ngành thủy sản đặt ra trong năm 2020 như thế nào, thưa ông?
- Có thể nói, Covid-19 là một đại dịch không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Đầu năm dịch Covid-19 xảy ra ở Trung Quốc, đến tháng 3 và 4/2020 đã lan rộng ra Mỹ, châu Âu, Úc và nhiều nước khác.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đó, chúng ta vẫn thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải tập trung cao độ cho chống dịch, còn về mặt kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngành thủy sản cũng nằm trong tình trạng chung trong thời gian vừa qua.
Những ảnh hưởng thấy rõ là dịch vụ dịch vụ logistics, hậu cầu của các hãng tàu, các cảng biển; một số nhà hàng, siêu thị với mục tiêu giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến chuỗi cung – cầu thủy sản.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất (-31%), chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm vì tác động của dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 đã tác động tới một số mặt hàng như: Tôm hùm, ốc hương, cá song; hay sản phẩm khai thác là sản phẩm cá ngư mắt to, cá ngư vây vàng... của các tỉnh miền Trung, do hệ thống nhà hàng, phân khúc thị trường cao cấp bị ảnh hưởng nên giá bán giảm.
Tuy nhiên, đánh giá lại kết quả quý I/2020 của ngành thủy sản thấy, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác được 841.000 tấn, tăng 1,9%, sản lượng nuôi trồng được 662.000 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2019.
Như vậy, tốc độ sản xuất của chúng ta vẫn duy trì và có sự tăng trưởng, nhưng so với cùng kỳ 2019 thì tăng nhẹ. Nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý I/2020 đạt 1,54 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ 2019.
Trong quý I/2020, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thủy sản tăng 2,85%, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy dịch Covid-19 đã tác động đến tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu của ngành thủy sản.
Dịch Covid-19 đang gây ra nhiều tác động lớn cho ngành thủy sản.Vậy, ngành thủy sản có những giải pháp, định hướng như thế nào để duy trì sản xuất và hỗ trợ, giúp đỡ nông dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn đang phải đối mặt?
- Trong quý I/2020, ngành thủy sản không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà cả hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL – nơi sản lượng thủy sản sản xuất, xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn.
Trước bối cảnh đó, ngành đã rất chủ động trong chỉ đạo, ứng phó.Từ tháng 12/2019, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương về bố trí mùa vụ và các giải pháp để chúng ta ứng phó, thích ứng với hạn hạn, xâm nhập mặn.
Về dịch Covid-19, đối với những đối tượng nuôi có tác động rõ rệt như: tôm hùm, ốc hương, cá song…, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn kỹ thuật cho bà con giảm mật độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi một cách phù hợp nhằm giảm giá thành nhưng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Từ việc bám sát tình hình thực tế, chúng tôi đã tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, doanh nghiệp vào chung kiến nghị của ngành NN&PTNT để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đối với từng lĩnh vực có những giải pháp để hỗ trợ cho bà con.
Đó là việc ứng phó với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, còn giải pháp thúc đẩy sản xuất sau khi dịch Covid-19 có những chuyển biến tích cực đã được ngành tính toán như thế nào trong thời gian tới?
- Như tôi đã nói, lãnh đạo Bộ ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 cao điểm nhất thì đã tính toán tới phương án chủ động trong tổ chức sản xuất. Thí dụ như thị trường tôm, một số nước trên thế giới là đối thủ cạnh tranh của chúng ta, có những tác động của dịch Covid-19 như Ấn Độ, Ecuador… Theo dự báo của các chuyên gia, các nước này sẽ giảm mạnh về sản lượng.
Trong khi đó, chúng ta dự báo sau khi thị trường EU hồi phục, chúng ta đang có lợi thế ưu đãi từ EVFTA, đặc biệt đối với sản phẩm tôm chúng ta có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không thể cạnh tranh được.
Hiện nay, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Những sản phẩm như cá tra, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi tháng có trên 500 conteiner hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Dự báo, trong những tháng tới nhu cầu nhập khẩu cá tra và các sản phẩm thủy sản khác có thể sẽ ổn định lại như các năm. Hay như phân khúc thủy sản đóng hộp, đối với cá ngư vằn, cá ngừ sọc - sản lượng trên 200 nghìn tấn/năm, đang có nhu cầu rất lớn để phục vụ hệ thống siêu thị.
Trong thời gian tới, một mặt chúng tôi bám sát sản xuất để có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn về tình hình dịch bệnh, thời tiết và chỉ đạo các địa phương tăng cường liên kết sản xuất từ người dân đến doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất – thu mua – chế biến và tiêu thụ sản phẩm để cân đối cung – cầu.
Các địa phương cần rà soát lại mùa vụ, kế hoạch sản xuất để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng từ nay cho đến cuối năm.Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường công tác quan trắc, cảnh bảo môi trường. Vừa qua, đối với hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan là một trong những yếu tố tác động lớn đến phát triển thủy sản và nó gây tâm lý lo ngại cho bà con.
Về tình hình chung, chúng tôi dự báo, đối với ĐBSCL, thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn đã giảm, các tỉnh bắt đầu có mưa và theo như báo cáo, độ mặn và điều kiện thời tiết bắt đầu phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đối với con tôm. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục thông tin về thị trường, nắm bắt để cân đối được cung – cầu và khả năng cung ứng của Việt Nam để giúp các địa phương sản xuất.
Theo kế hoạch của lãnh đạo Bộ, ngay sau khi thông báo giãn cách xã hội hết, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị cùng các địa phương, trước mắt tập trung vào các đối tượng chủ lực: tôm, cá tra và khai thác thủy sản.
Mục tiêu là giữa Bộ và các địa phương có một kế hoạch, phương án sản xuất tốt nhất để cho bà con ngư dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đặc biệt chúng ta tận dụng được thị trường không chỉ trong nước mà thế giới kiểm soát dịch bệnh tốt.
Xin cảm ơn ông!
Luôn có kế hoạch chủ động, tránh rủi ro, ùn ứ sản phẩm
Trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn ra, đối với Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Bộ trưởng cũng làm việc với từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thủy sản để hàng tuần chúng ta rà soát lại tình hình dịch bệnh, tình hình của các thị trường nhập khẩu, tình hình sản xuất trong nước…
Từ đó, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản có những chỉ đạo rõ để các địa phương, doanh nghiệp ngành hàng ngồi lại với nhau và chúng ta cùng nhau cân đối thực tiễn sản xuất với khả năng tiêu thụ để có kế hoạch chủ động trong sản xuất nguyên liệu, tránh rủi ro và ùn ứ cho bà con nông dân.
Đối với lĩnh vực khai thác cũng tương tự như thế, cũng có kế hoạch từ bà con ngư dân tới các cơ sở thu mua, chế biến; cố gắng tổ chức liên kết, minh bạch, chia sẻ thông tin về thị trường và tổ chức sản xuất để chúng ta không bị thụ động trong việc một mặt chúng ta chống dịch Covid-19, một mặt vẫn phải đảm bảo sản xuất nguyên liệu trong thời gian tới cho ổn định.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT)
|
(Theo Dân Việt)