Nuôi trồng thủy sản: Cẩn trọng trong mùa mưa

Mùa mưa là thời điểm người nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi. Đầu mùa mưa năm nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT và một số tỉnh lân cận đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Do đó, người chăn nuôi cần chú ý chế độ chăm sóc, quản lý môi trường nước trong ao nuôi, lồng bè để giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả nuôi trồng.

CẨN TRỌNG VÀO MÙA MƯA

Tôm là một trong những loại thủy sản dễ bị ảnh hưởng nhất trong mùa mưa. Ông Trần Bá Thi, đang nuôi 1ha tôm thẻ chân trắng tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tôm rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Vào mùa mưa, độ pH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Mùa mưa, nhiệt độ trong nước thấp khiến sức ăn của tôm giảm, trung bình khoảng 10%/1 độ C. Lượng oxy trong nước cũng giảm nhanh ngay sau cơn mưa.

Để tránh thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa, người dân cần tuyệt đối tuân thủ lịch thời vụ đã được ngành thủy sản khuyến cáo. Trong quá trình đó, người nuôi trồng thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nhất là mật độ nuôi, quản lý chặt các yếu tố môi trường trong ao nuôi… Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, với những ao nuôi tôm thương phẩm, người nuôi cần theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa xung quanh, không để nước mưa đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể khiến tôm chết hàng loạt. Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời.

Còn theo ông Nguyễn Công Lành, người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng bè tại tiểu khu số 1, sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), các hộ nuôi thường thả cá giống vào đầu mùa mưa để kịp có sản phẩm phục vụ thị trường cuối năm vì được giá, lợi nhuận cao. Tuy nhiên thời điểm này, nhiệt độ, độ pH trong nước thường thay đổi đột ngột, khiến cá không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh. Ông Lành cho biết: “Để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho cá, tôi thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng và treo túi vôi trước dòng chảy. Tôi cũng giảm mật độ nuôi còn từ 70-80% so với mùa khô. Chẳng hạn, cá bớp mật độ thả giảm còn từ 150-200 con, thay vì 230-250 con như mùa khô (lồng 36m2). Khẩu phần ăn của cá cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Tôi cũng túc trực và sử dụng các thiết bị kỹ thuật thường xuyên đo chỉ số độ pH, oxy, độ mặn của nước để xử lý kịp thời khi có bất thường”.

TĂNG CƯỜNG ÁP DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Trên địa bàn tỉnh có 6.285,5ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó 1.833,4ha nuôi nước ngọt và 4.452,1ha nuôi nước mặn, lợ. Ngành nông nghiệp xác định cá mú, tôm sú, tôm chân trắng là những đối tượng chủ lực của hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh; nuôi lồng bè với các loại cá mú, cá bớp, cá chim và cá chẽm, đồng thời phát triển mô hình nuôi sinh vật cảnh, từng bước chuyển đổi những đối tượng ít hiệu quả, khó tiêu thụ sang nuôi những giống loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó, trước tình hình thời tiết và môi trường ngày càng có nhiều biến động tiêu cực, việc tăng cường áp dụng và ứng dụng công nghệ, thành quả nghiên cứu khoa học vào nuôi trồng nhằm tăng năng suất, giảm thiểu thiệt hại dịch bệnh là đòi hỏi tất yếu. Thực tế, thời gian qua, một số hộ nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào chăn nuôi, giúp tăng năng suất và giảm nguy cơ thiệt hại do dịch bệnh.

Ông Phạm Thế Vịnh (ấp Bà Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) là một trong những người tiên phong áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Ông Vịnh cho biết, sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư 400 triệu đồng để nuôi thử nghiệm 2 sào tôm thẻ áp dụng công nghệ cao. Theo đó, phía trên 2 ao nuôi được che lưới, phía dưới được lót bạt. Các kỹ thuật này giúp ao nuôi của ông rất ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố cực đoan của thời tiết, nhất là vào mùa mưa. Trong ao có hệ thống đo, tự động cung cấp oxy và có thể thay nước hàng ngày phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Với hệ thống này, các ao nuôi của ông Vịnh thả tôm mật độ 250-300 con/m2 mà tỷ lệ tôm mắc bệnh vẫn rất thấp. Nhờ vậy, lợi nhuận thu được từ 2 sào nuôi tôm áp dụng công nghệ cao của ông Vịnh lên đến 400 triệu đồng/vụ, gấp 3 lần so với nuôi bằng biện pháp thông thường.

Bên cạnh các hộ nuôi trồng nhỏ lẻ, nhiều DN đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các vùng nuôi thủy, hải sản ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh công nhận. Điển hình như Công ty TNHH nuôi trồng Thủy sản Minh Phú - Lộc An (ấp An Bình, xã Lộc An) thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. DN này hoạt động theo mô hình khép kín từ sản xuất con giống, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. DN còn liên kết các hộ Nuôi trồng khác, chuyển giao quy trình nuôi và bao tiêu các sản phẩm đạt chuẩn. Mô hình liên kết này sẽ giúp nhiều người nuôi tiếp cận được với các kỹ thuật nuôi công nghệ cao, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết để nâng cao năng suất, chất lượng và ổn định đầu ra của sản phẩm.

(Theo báo BR - VT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục