Trong không khí nhộn nhịp những ngày đầu năm, bà con ở khu nuôi thủy sản xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định lại tất bật thu cá, tẩy ao, chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Trên những khuôn mặt rám nắng vất vả của họ là những nụ cười tươi rói bởi một năm bội thu.
Trên diện tích khoảng 80 ha của khu chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản từ năm 2013, có khoảng 50 ha nuôi cá nước ngọt xen ghép với các đối tượng nước lợ. Những năm trước, người dân nuôi các đối tượng cá truyền thống như trắm cỏ, chép, mè, trôi… hiệu quả kinh tế mang lại không cao do các giống cũ, chất lượng kém, nuôi chậm lớn.
Cá chép giống khi thả khoảng 20 - 30 con/kg, nuôi một năm chỉ có khoảng 60% cá đạt kích cỡ thương phẩm trên 1,2 kg/con, giá bán chỉ được khoảng 40.000 đồng/kg. Cá trắm cỏ khi thả cỡ giống 3 - 4 con/kg, nuôi một năm chỉ có tỷ lệ khoảng 70% đạt cỡ thương phẩm trên 2 kg/con, giá bán cá thương phẩm chỉ khoảng 45.000 đồng/kg. Những con cá chưa đạt cỡ thương phẩm thường bị thương lái từ chối mua hoặc mua với giá rất thấp. Năng suất cá trước đây chỉ đạt khoảng 2 tấn/ha, hiệu quả kinh tế người nuôi thu được thấp.
Từ năm 2017, người dân xã Giao Long đã nhập về nuôi giống cá chép Việt Nam – Trung Quốc hay còn gọi là cá chép Vân Nam về nuôi xen ghép với cá trắm cỏ, cá đối mục - những giống cá truyền thống của địa phương.
Sau vụ nuôi năm 2017, người nuôi thấy cá chép và cá đối mục lớn nhanh, kích cỡ thương phẩm lớn nên rất dễ bán, giá cao, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trước kia.
Anh Trần Văn Thành, đội 9, xã Giao Long cho biết: Từ vụ nuôi thành công năm 2017, anh nhập luôn cá chép hương và đối mục ương từ tháng 9 để làm cá giống vào đầu năm 2018. Anh thả giống chép mới xen với cá trắm đen, trắm cỏ, đối mục.
Sau hơn một năm nuôi, cá chép đạt kích cỡ trung bình 4 kg/con, cá biệt có con lên tới 6 kg; cá đối mục đạt kích cỡ trung bình từ 0,8 - 1kg/con. Đối với cá chép, anh bán được giá 59.000 đồng/kg, cá đối mục bán được giá 50.000 đồng/kg. Ước tính năng suất thu được 6 tấn/ha, trừ chi phí, anh thu lời được trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Tại khu nuôi thủy sản của xã Giao Long còn nhiều hộ dân cũng đang nuôi xen ghép cá chép giống mới với các loài cá truyền thống địa phương. Vụ nuôi năm 2018 là một vụ bội thu của người nuôi cá nơi đây.
Theo anh Quảng, đội 9, xã Giao Long cho biết: Người nuôi thủy sản tại xã Giao Long có nhiều kinh nghiệm thực tế sản xuất. Qua thông tin trên báo đài, người nuôi đã nhanh nhẹn vận dụng kỹ thuật nuôi xen ghép các đối tượng truyền thống có giá trị cao với các đối tượng giống mới nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn so với trước đây.
Đánh giá về hình thức nuôi này, kỹ sư Trần Văn Trung – Trạm Khuyến nông Giao Thủy cho biết: Hình thức nuôi xen ghép các đối tượng cá truyền thống là không mới, nhưng người dân đã có sự chọn lọc và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về khâu chọn giống, chọn đối tượng xen ghép và kinh nghiệm nuôi nên hiệu quả kinh tế cao. Hình thức nuôi này dễ áp dụng do đầu tư chi phí không quá cao, rủi ro dịch bệnh thấp nên mang tính bền vững.
|
(Theo NNVN)