Tỉnh Kiên Giang có vùng biển rộng lớn với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, bờ biển dài khoảng 200 km với nhiều vịnh, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi biển.
Ngành chức khuyến cáo ngư dân cần tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật nuôi, áp dụng quy trình phòng bệnh tổng hợp để hạn chế ô nhiễm môi trường, cá đạt chất lượng tốt đảm bảo cho tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.
Nghề nuôi biển tại Kiên Giang phát triển mạnh tại 2 huyện đảo là Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo của huyện Kiên Lương, TP Hà Tiên. Theo Chi cục Thủy sản Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 4.300 lồng bè nuôi cá trên biển. Đối tượng nuôi biển của ngư dân Kiên Giang phổ biến là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể.
Ngoài đầu tư của hộ ngư dân, có nhiều tập đoàn, công ty đang đầu tư vào nuôi biện tại Kiên Giang. Cụ thể như Cty TNHH MTV TMDV xuất nhập khẩu Trấn Phú, đang đầu tư nuôi biển bằng công nghệ của Châu Âu, tại vùng biển Phú Quốc. Tập đoàn Mavin đã quyết định đầu tư thực hiện dự án trung tâm nuôi trồng hải sản xuất khẩu tại vùng biển thuộc huyện Kiên Hải, với tổng mức đầu tư là 30 triệu USD. Dự án có quy mô rộng 2.000 ha mặt biển và mỗi năm có thể sản xuất 30.000 tấn cá biển các loại.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá nghề nuôi biển của Kiên Giang hoàn toàn có thể đạt được 1 tỷ USD nếu phát huy hết tiềm năng lợi thế
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang Kiên Giang cho biết, để giúp nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển hiệu quả, Chi cục sẽ tiến hành quan trắc môi trường định kỳ 2 lần/tháng. Từ đó, đưa ra thông báo, khuyến cáo đến với ngư dân.
Đối với các địa phương có quy hoạch nuôi cá lồng bè ven biển, đảo, cần thực hiện đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về vị trí đặt lồng, số lượng lồng, bảo vệ môi trường khu vực nuôi. Hướng dẫn người nuôi phải giám sát chặt chẽ tình hình môi trường nước vùng nuôi, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá. Phân công người trực canh trên bè 24/24 giờ để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường của môi trường nước và đưa ra các giải pháp ứng phó thích hợp.
Tập trung thực hiện tốt quy trình phòng bệnh tổng hợp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, như: chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch, kích cỡ đồng đều, cá khỏe mạnh. Thức ăn là cá mồi thì phải tươi, rửa cá bằng nước ngọt 2, 3 lần trước khi cho cá ăn để loại bỏ các mầm bệnh. Nếu được nên sử dụng thức ăn viên công nghiệp dành cho cá để chủ động nguồn thức ăn và thuận tiện cho việc bổ sung vitamin, khoáng vi lượng.
Lồng bè nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới lồng để loại bỏ các chất thải, sinh vật bám, tăng lưu lượng trao đổi nước và giảm mật độ vi khuẩn trong lồng. Phát hiện sớm và điều trị các bệnh do nhiễm ký sinh trùng, bệnh lở loét, xuất huyết do vi khuẩn Vibrio gây ra… Người nuôi nên tách riêng cá bệnh để điều trị.
Nhiều đơn vị đã sử dụng thức ăn viên công nghiệp dành cho cá để chủ động nguồn thức ăn, hạn chế ô nhiễm môi trường và thuận tiện cho việc bổ sung vitamin, khoáng vi lượng
“Thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt để đưa về nơi xử lý, không vứt bừa bãi xung quanh khu vực nuôi làm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển gây bệnh cho cá. Khi có cá chết phải thu gom mang lên bờ tiêu hủy bằng vôi bột, hóa chất hoặc nấu chín, chôn lấp cẩn thận nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Tách riêng cá bệnh về khu vực nuôi riêng ở cuối nguồn nước, áp dụng biện pháp phòng trị phù hợp”, ông Xuyên khuyến cáo.
Hiện nay, một số công ty, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển số lượng lớn cũng gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, tiêu thụ cá thương phẩm. Vì vậy, họ đề nghị ngành chức năng tạo điều kiện cho tàu thu mua của nước ngoài vào vùng biển Kiên Giang thu mua cá thương phẩm còn sống, vận chuyển đi tiêu thụ ở các nước trong khu vực và cả thị trường lớn Trung Quốc.
Trong chuyến khảo sát về phát triển nuôi biển và làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh cần tập trung tái cấu trúc lại ngành thủy sản, giảm cơ cấu khai thác và tăng sản lượng nuôi trồng, tạo việc làm cho lao động nuôi trồng, giảm lao động khai thác.
Nuôi trồng thủy sản có áp dụng công nghệ nuôi mới của các nước phát triển, kết hợp với lợi thế mặt nước biển sẵn có. Triển khai chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư ngành thủy sản, mở rộng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Phát triển thủy sản phải gắn với tái cấu trúc lại ngành, tuyệt đối không khai thác thủy sản bất hợp pháp, đảm bảo năng suất, hiệu quả, đủ sức cạnh tranh trên thị trường...
(Theo NNVN)