Nông, thủy sản xuất khẩu rộng đường vào Anh

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thủy sản, đồ gỗ đều lộ vẻ lạc quan, hào hứng sau khi Việt Nam và Vương quốc Anh tuyên bố kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (UKVFTA).

Gỡ bỏ rào cản lớn nhất - thuế cao

Tại tuyên bố chung cấp bộ trưởng về việc kết thúc đàm phán hiệp định này, một trong những nội dung được nhấn mạnh là FTA song phương Việt Nam - UK vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Thương mại hàng hóa từ dệt may, da giày cho tới các mặt hàng thủy sản vẫn không bị gián đoạn. Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và UK. Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam - UK. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan. Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của UK, con số tương ứng sẽ là  36 triệu bảng Anh.

Nông thủy sản xuất khẩu rộng đường vào Anh

Gạo được dự báo sẽ là mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu vượt trội vào Anh trong thời gian tới

Là một trong những doanh nghiệp mới nhất liên tiếp có được hợp đồng xuất khẩu gạo đi châu Âu, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ), không giấu vẻ tự tin khi được hỏi về cơ hội mới FTA với Vương quốc Anh vừa kết thúc đàm phán. “Điều kiện cần là gạo của Trung An đã được chứng nhận để vào châu Âu. Trong khi đó Vương quốc Anh lại có khá nhiều dân tộc dùng gạo. Họ là nước dùng gạo vào loại nhiều nhất ở châu Âu nên chúng tôi rất lạc quan. Vấn đề bây giờ là đi tìm đối tác nhập khẩu”, ông Bình chia sẻ. Theo ông Bình, việc Anh rời châu Âu khiến gạo Việt muốn vào đây vẫn phải chịu thuế 17% - một con số khá cao làm cho sức cạnh tranh gạo Việt bị giảm đi đáng kể. Do vậy, vị giám đốc rất lạc quan về triển vọng gạo thơm ST20 mà Trung An vừa bán được vào Đức với giá lên tới 1.000 USD/tấn sẽ sớm có mặt ở Anh với giá tương tự, thay vì chỉ được thu về khoảng 800 USD/tấn bởi chịu thuế cao.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu năm ngoái là 671.000 tấn, tăng 10% so với năm trước đó. Thế nhưng, dù là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo song kết thúc năm 2019, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 22 trong các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Anh. “Nguyên nhân chính khiến gạo ta khó cạnh tranh với Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan là mức thuế. Do vậy, với UKVFTA, rào cản lớn nhất về thuế được xóa bỏ thì cơ hội cho gạo Việt vào Anh là rất cao”, vị này nói.

Tương tự như gạo, thủy sản cũng là mặt hàng có lợi thế lớn, với cam kết khi hiệp định có hiệu lực thì gần như ngay lập tức các dòng thuế đang từ 10 - 20% sẽ về 0%. “Chúng tôi xác định Anh là thị trường rất tiềm năng với thủy sản xuất khẩu và là cơ hội để giúp ngành bứt phá hơn sau Covid-19”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), chia sẻ và cho biết thêm, Vasep đang rà soát và gửi thông tin về những cơ hội, thuận lợi của hiệp định này cho các doanh nghiệp trong ngành nắm bắt, để giúp doanh nghiệp có kế hoạch tiếp cận thị trường một cách hiệu quả và sớm nhất có thể.

Tiết kiệm 3.500 tỉ/năm cho doanh nghiệp nội

Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Đáng lưu ý là năm 2020 dù Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến hết năm 2020. “Do đó, việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA có vai trò đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc”, ông Hòe nói. Theo vị này, điều đặc biệt nữa là, trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên EU đều giảm mạnh thì riêng xuất khẩu vào Anh lại tăng trưởng ấn tượng. Tính đến cuối tháng 9.2020, xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng gần 23% đạt gần 258 triệu USD, trong đó tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ đạo đều tăng (tăng lần lượt 19% và 27%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trả lời báo chí ngay sau khi kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thông tin rằng, đối với Việt Nam, với những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa tương đương Hiệp định EVFTA cộng với việc có thêm hạn ngạch đối với những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao như nông thủy sản sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Anh. “Theo tính toán thì giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỉ/năm. Trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thì hiệp định dự kiến sẽ giúp ổn định thị trường để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

(Theo báo Thanh Niên)

Chia sẻ:


Nguyễn Trang
Chuyên viên Phát hành, Quảng cáo
Email: nguyentrang@vasep.com.vn
Điện thoại 024.37715055 - ext. 212

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục