Trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản (NLTS) bị cạn kiệt do con người khai thác quá mức theo kiểu tận diệt, tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích ngư dân khai thác trên biển cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định.
Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau thông tin: “Cà Mau có đường bờ biển dài trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển khu vực ĐBSCL và bằng gần 8% chiều dài bờ biển của cả nước. Nghề đánh bắt, khai thác thủy sản tại Cà Mau phát triển khá mạnh. Tỉnh thường xuyên mở các cuộc hội thảo, tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho ngư dân, cũng như cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn về phát triển NLTS theo hướng bền vững”.
Theo ông Sĩ, ý thức được tầm quan trọng của NLTS đối với nghề khai thác, đánh bắt trên biển, nên nhiều ngư dân tuân thủ và chấp hành nghiêm quy định của nhà nước. Kích cỡ loại cá nào được phép đánh bắt, cỡ nào thì thả lại môi trường để tái tạo đều được bà con thực hiện khá tốt.
Để nỗ lực tái tạo NLTS trước nguy cơ bị cạn kiệt do con người khai thác quá mức, hằng năm, Chi cục Thủy sản Cà Mau tổ chức thả nhiều loại giống như, tôm, cua, cá… về môi trường tự nhiên. Mỗi năm có 5.000 cá hồng bạc, 5.000 cá hồng mỹ, 5.000 cá chim vây vàng, 4.000 cá mú, 30.000 cá chẽm, 4 triệu tôm sú... được thả về môi trường tự nhiên để tái tạo.
Ông Huỳnh Văn Trải, 43 tuổi, chủ một tàu cá ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc tái tạo NLTS. Họ thường xuyên phối hợp với ngành chức năng huyện, tỉnh mở lớp tập huấn cho chúng tôi về vấn đề này. Tại các lớp tập huấn, chúng tôi được các chuyên gia về thủy sản giải thích thấu tình đạt lý về tầm quan trọng của NLTS đối với hoạt động đánh bắt của ngư dân nên tôi thực hiện khá tốt”.
Hoạt động khai thác trên biển được quy định rất rõ từng loại lưới được phép khai thác phù hợp với nghề đăng ký
Theo ông Trải, trong những chuyến biển anh thường vận động anh em ngư dân khi đánh bắt, chỉ bắt những loại cá đúng kích cỡ và sử dụng lưới đánh bắt đúng quy định của ngành thủy sản đối với những phương tiện khai thác vùng lộng, vùng khơi.
“Nghề nào quy định cũng khác nhau, kích cỡ khác nhau như, rê trích, kích cỡ mắc lưới là không nhỏ hơn 28mm; rê thu ngừ, kích cỡ mắc lưới là 90mm trở lên; Lưới kéo tôm đối với loại thuyền thủ công và tàu lắp máy có công suất dưới 45CV là 20mm…”, ông Trải nói.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn, Trạm Khuyến ngư huyện Ngọc Hiển, phụ trách địa bàn xã Tân Ân cho biết: “Địa phương thường xuyên phối hợp với đội quản lý NLTS huyện để kiểm tra việc chấp hành những quy định của ngư dân về bảo vệ, tái tạo NLTS của ngư dân. Qua kiểm tra, chúng tôi ghi nhận ý thức của người dân là khá tốt”.
Nói về việc cấm khai thác đối với các phương tiện khai thác ở tuyến bờ, ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau thông tin thêm, nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ, câu tay mực) là những nghề cấm khai thác.
“Tại tuyến lộng thì cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định và các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy lớn. Địa phương cấm phát triển các nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng và các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển… Tàu lắp máy có công suất dưới 90 sức ngựa làm nghề lưới kéo cá cũng bị cấm”, ông Sĩ nói.
Ghi nhận của chúng tôi tại huyện cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho thấy ý thức chấp hành những quy định của ngành thủy sản được ngư dân thực hiện rất tốt. Họ nói rành rọt, cặn kẽ về loại hình đánh bắt, kích thước cá mắt lưới như thế nào, nếu vi phạm sẽ xử lý ra sao… Đây là tính hiệu vui cho ngành thủy sản địa phương trong việc đẩy mạnh, vận động ngư dân thực hiện chủ trương tái tạo NLTS.
|
(Theo NNVN)