Ninh Bình: Thủy sản tiếp nối một năm thành công

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện và quan tâm sát sao của các cơ quan chức năng, hoạt động nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, quy trình nuôi đảm bảo an toàn, hạn chế dịch bệnh ngày càng được nhân rộng. Lĩnh vực sản xuất giống cũng có nhiều đột phá… Năm 2018 được đánh giá tiếp tục là một năm thành công của ngành Thủy sản Ninh Bình với mức tăng trưởng 7%, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1.391 tỷ đồng.

Tăng trưởng nhiều mặt

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, năm 2018 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 13.145 ha, tăng 3% so với năm 2017. Sản lượng ước đạt 51.253 tấn, tăng 7,8% so với năm 2017. Đóng góp vào con số tăng trưởng trên trước tiên phải kể đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Với 1.867 ha nuôi tôm sú, 218 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 1.200 ha nuôi ngao và khoảng 260 ha nuôi trồng các đối tượng thủy sản khác, sản lượng nuôi thủy sản mặn lợ năm 2018 đạt con số ấn tượng 19.540 tấn, tăng trưởng hai con số (12,7%) so với năm 2017.

Có được kết quả này là do người nuôi đã chú trọng đầu tư, áp dụng KHCN trong sản xuất. Đơn cử như với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, nếu như trước đây các hộ chủ yếu nuôi quảng canh, bán thâm canh, một số hộ nuôi thâm canh nhưng với mật độ chưa cao và không ổn định thì 2 năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2018, nhiều hộ đã đầu tư lớn nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phụ trợ hiện đại, đồng bộ.

Hiện nay, diện tích nuôi tôm thẻ trong nhà bạt đã lên tới 25 ha, năng suất 10-30 tấn/ha/vụ; diện tích nuôi tôm thẻ trên ao nổi là gần 36 ha, năng suất từ 5-17 tấn/ha/vụ; diện tích nuôi tôm thẻ thâm canh hai giai đoạn tuy mới thử nghiệm nhưng năng suất vượt trội, đạt tới trên 100 tấn/ha.

Về thủy sản nước ngọt, năm 2018, diện tích nuôi trồng tiếp tục được mở rộng, ước đạt 9.600 ha. Đặc biệt, tuy chỉ tăng 3% về diện tích so với năm 2017 nhưng sản lượng nuôi lại tăng tới 5%, đạt 24.847 tấn. Nguyên nhân được ngành chuyên môn đánh giá là do người dân đã tích cực chuyển đổi từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, đồng thời đưa vào phát triển nuôi các đối tượng có giá trị và năng suất cao như cá trắm đen, cá chép lai, chạch sụn…

Đặc biệt, năm 2018 diện tích nuôi ao nổi được mở rộng và phát triển mạnh ở một số địa phương như huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô đã góp phần lớn vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng thủy sản vùng nước ngọt.

Năm 2018 còn là năm thành công của ngành Thuỷ sản trong lĩnh vực con giống với việc các trại sản xuất giống vùng nước lợ đẩy mạnh hoạt động hợp tác, nghiên cứu, nâng cao trình độ, công nghệ trong sản xuất giống ngao, hàu, đưa Ninh Bình trở thành một trong những thủ phủ về sản xuất giống ngao, hàu.

Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã sản xuất được 438 triệu con hàu giống, 19.000 triệu con ngao (tăng 5-6 lần so với năm 2017), ngoài ra còn có giống cua xanh với khoảng 2,1 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống ở địa phương và xuất bán sang các tỉnh lân cận như Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, sản xuất giống thủy sản nước ngọt cũng tăng khá, một số giống cá đặc sản truyền thống của Ninh Bình như cá rô Tổng Trường, cá Tràu tiến vua đã được nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công. Trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, sản lượng khai thác năm 2018 ước đạt 6.866 tấn, tăng 3% so với năm 2017. Trong đó, khai thác biển đạt 1.891 tấn, khai thác nội địa đạt 4.975 tấn.

Mục tiêu trên 1.500 tỷ đồng trong năm 2019

Ông Tạ Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Hiện nay, người nông dân khá chủ động, tích cực trong việc tìm tòi nguồn thông tin mới về khoa học kỹ thuật, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình tiêu biểu về nuôi trồng thủy sản, góp phần đưa thủy sản tỉnh nhà phát triển theo hướng đa dạng và bền vững.

Song song với đó, việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cộng với những hỗ trợ của tỉnh thông qua Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao đã góp phần làm cho sản xuất thủy sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngành Thuỷ sản Ninh Bình vẫn còn không ít bất cập. Công tác lập, quản lý và triển khai quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Việc gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ vùng nuôi thủy sản tập trung còn chậm triển khai. Năng lực sản xuất giống tại chỗ vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người nuôi trong toàn tỉnh.

Các hộ nuôi thủy sản đa phần còn thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất nên việc đưa các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng công nghệ cao gặp nhiều khó khăn. Còn tình trạng người dân sản xuất theo phong trào.

Công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư dùng trong sản xuất thủy sản và an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả chưa cao. Việc sử dụng thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bộ máy quản lý nhà nước về thuỷ sản vẫn mỏng về lực lượng, thiếu trang thiết bị.

Trước những bất cập này, Chi cục Thủy sản đã tham mưu đưa ra các giải pháp khắc phục cụ thể. Theo đó, sẽ tăng cường quản lý mùa vụ nuôi, định hướng đối tượng nuôi, phương thức nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng. Đối với vùng nuôi thủy sản nước ngọt, phát triển các mô hình nuôi chuyên canh các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, chép lai và các đối tượng cá truyền thống khác.

Riêng với vùng nuôi thủy sản ruộng trũng sẽ phải xây dựng các vùng lưu trữ giống, lưu giữ cá thương phẩm. Vùng nuôi thủy sản mặn lợ duy trì đối tượng chủ lực là tôm sú, cua xanh, tôm thẻ chân trắng và ngao, một mặt phát triển thêm các đối tượng như cá mú, cá vược.

Đặc biệt, phát triển các hình thức nuôi tiên tiến, áp dụng VietGAP, nuôi theo công nghệ vi sinh, nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà bạt, nhà lưới, ao nổi… Tiếp tục sản xuất giống tại chỗ các đối tượng có lợi thế như cua, ngao, hàu.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm hướng dẫn, tư vấn quy trình kỹ thuật nuôi và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất đến với các hộ nuôi. Ưu tiên nguồn lực cho các mô hình hiệu quả, mô hình sản xuất thủy sản chất lượng cao.

Chú trọng quản lý môi trường các vùng nuôi để phòng chống dịch bệnh và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, trong năm 2019 này, thủy sản tỉnh đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 54.850 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác là 7.200 tấn, sản lượng nuôi trồng là 47.650 tấn. Giá trị sản xuất toàn ngành phấn đấu đạt 1.510 tỷ đồng.

(Theo báo Ninh Bình)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục