Người dùng Mỹ quan tâm điều gì khi mua thủy sản Việt Nam

Theo chia sẻ từ các tập đoàn thu mua quốc tế, sản phẩm không chỉ cần sạch mà phải có xuất xứ rõ ràng, không gây hại cho môi trường.

Sáng ngày 3/5, trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, sự kiện Business Matching - kết nối cung cầu thu hút hàng trăm khách mời, doanh nghiệp với mục tiêu trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác.

Tại sự kiện, các tập đoàn lớn như Seadfoodwatch, Cargill, BigC, USAID đưa ra những đánh giá chi tiết về thực trạng và tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp, hàng hoá từ các thị trường như Mỹ, châu Âu, Thái Lan. Trong đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu. 

Người dùng Mỹ quan tâm điều gì khi mua thủy sản Việt

Một trong những chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại sự kiện là tiêu chí lựa chọn hàng hoá, đặc biệt là nông sản, thuỷ hải sản vào thị trường Mỹ. Trả lời câu hỏi này từ phía các doanh nghiệp, ông Josh Madeira, chuyên gia Seafoodwatch đưa ra 3 tiêu chí lớn là truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Josh Madeira cho biết đây là những yêu cầu bắt buộc được áp dụng với 90% doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm vào Mỹ và khoảng 70% đối ở khu vực châu Âu.

"Người tiêu dùng Mỹ không chỉ quan tâm đến thực phẩm tươi, sạch mà còn đảm bảo sản phẩm được tạo ra không phá hoại môi trường, hay vi phạm nhân quyền", ông Josh Madeira nói.

Đối với các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam nói chung, ông Josh Madeira cho biết Seafoodwatch đang thực hiện đánh giá hàng hoá theo các quy định từ thị trường Mỹ hoàn toàn miễn phí. Doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân nào quan tâm có thể đăng ký tham gia chương trình đào tạo và tập huấn do Seafoodwatch tổ chức trong thời gian tới.

Đại diện các Tập đoàn trực tiếp trả lời những câu hỏi từ phía doanh nghiệp. 

Đại diện các Tập đoàn trực tiếp trả lời những câu hỏi từ phía doanh nghiệp.

Chung nhận định nói trên, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Giám đốc thu mua khu vực miền Bắc, BigC Thái Lan tin rằng yếu tố minh bạch của hàng hoá phải đặt lên hàng đầu. Theo bà Linh, khách hàng Việt Nam và Đông Nam Á ngày càng chi trả cao hơn cho nông sản sạch, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng.

"Chúng tôi đưa các thông tin sản phẩm vào hệ thống giúp khách hàng có thể kiểm tra qua quét mã QR, tổ chức các ngày hội nông sản vùng miền và ưu tiên sản phẩm trong nước", bà Phạm Thị Thuỳ Linh chia sẻ.

Hiện nay, để đưa sản phẩm trong nước xuất hiện trên các kệ hàng của BigC, đơn vị bán lẻ áp dụng mức chiết khấu 0% cho các doanh nghiệp SME và hợp tác xã. BigC cũng hợp tác với một bên thứ ba nhằm tạo tính khách quan khi đánh giá hàng hoá, nông sản, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

22 triệu USD đào tạo nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp Việt

Tại sự kiện, Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết mong muốn giúp các doanh nghiệp SME nâng cao khả năng cạnh tranh, trở thành đối tác của các Tập đoàn nước ngoài. USAID đã xây dựng dự án LinkSME về hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Ông Michael Greene, Giám đốc USAID tiết lộ sẽ dành 22,1 triệu đôla Mỹ để tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp. Dự án triển khai trên 5 lĩnh vực, kéo dài đến năm 2030 bắt đầu từ điện tử và cơ khí.

"Hiện nay chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Con số này thấp hơn với mức trung bình 46% của nhiều quốc gia khác", Michael Greene đánh giá. 

Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ

Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Song song với hoạt động toạ đàm, sự kiện Business Matching còn là cơ hội cho hơn 250 doanh nghiệp lớn nhỏ có cơ hội kết nối. Với các bàn làm việc trực tiếp 1-1, cùng những thông tin đầy đủ về tiêu chí lựa chọn, chỉ trong buổi sáng, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác tiềm năng.

"Khách tới tìm hiểu, liên hệ chủ yếu là các bên thu mua phân phối sỉ lẻ. Trong số đó có nhiều các đơn vị chế biến và xuất khẩu đã đặt vấn đề hợp tác để sản xuất các sản phẩm sấy khô, đóng hộp", bà Nguyễn Thị Huyền, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trí Nguyễn nói. 

Mô hình làm việc trực tiếp với các bàn 1-1 tại phiên kết nối Nhà mua và Nhà cung cấp. 

Mô hình làm việc trực tiếp với các bàn 1-1 tại phiên kết nối Nhà mua và Nhà cung cấp.

Sự kiện Business Matching nằm trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.

Chương trình có sự đồng hành của Hãng hàng không Vietjet Air, thương hiệu tôn Colorbond từ BlueScope, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn TH, VinFast, Grab, Tập đoàn T&T, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Bắc Á Bank, Tân Hiệp Phát, THACO, BIM Group, MXP, Habeco, Logivan, CMC, VNPT, Hiệp Phước, TomoChain, Netnam, Dược Hà Nội, Dược CVI, TTC group, Tourzy.

(Theo VnExpress)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục