Dù chưa chịu tác động trầm trọng từ dịch Corona trong ngắn hạn, nhưng ngay lúc này, ngành thủy sản và các doanh nghiệp cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó để có thể duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1 giảm 12,5%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2020 xuống 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho biết, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ngừ, tôm đang bị chậm thanh toán hợp đồng do các ngân hàng Trung Quốc chưa mở cửa. Dự kiến, tới ngày 16/2, phía Trung Quốc mới có thể thanh toán các đơn hàng vận chuyển theo đường biển.
Thêm vào đó, một số hãng tàu biển lớn dừng nhận hàng đi Trung Quốc, thậm chí, một số khách hàng nhập khẩu thủy sản lớn (như đối tác tại Nhật Bản) đã đề nghị tàu hàng không đi qua Trung Quốc.
“VASEP dự báo, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn có thể nhận được hợp đồng mới, song số lượng sẽ giảm. Các hệ thống nhà hàng của Trung Quốc ngừng hoặc giảm tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện tại, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang bị tồn kho. Chi phí bảo quản đông lạnh không hề nhỏ, dù doanh nghiệp có kho lạnh hay phải đi thuê”, ông Nam chia sẻ.
Dẫu vậy, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nhận định, tác động của dịch Corona đến xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm chưa quá trầm trọng, vì thông thường, sớm nhất cũng phải sau tháng 3, tháng 4 hàng năm, các đơn hàng nhập thủy sản của Trung Quốc mới bắt đầu tăng lên.
Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta - một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu tôm trong ngành thủy sản thận trọng: “Đến hiện tại, chưa thể biết dịch nCoV sẽ kéo dài trong bao lâu để có thể đánh giá tác động đến ngành tôm. Nếu nCoV được kiểm soát trong vài tháng tới, thì ngành tôm Việt Nam sẽ không ảnh hưởng lớn, vì chưa vào chính vụ”.
Nắm bắt cơ hội xuất khẩu, chinh phục thị trường nội địa
Trung Quốc là một trong 4 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, do đó, những diễn biến từ thị trường lớn này và tình hình dịch bệnh cần tiếp tục được theo dõi để có những nhận định sát hơn và kịp thời tìm kiếm giải pháp.
Ông Hòe cho biết, VASEP đang tích cực tìm hiểu thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng ứng phó kịp thời. Mặc dù thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, VASEP nhận thấy, có 2 cơ hội mà các doanh nghiệp có thể nắm bắt.
Một là, nên chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp thay vì hàng tươi sống.
Hai là, một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam (như cá ngừ) đang bị giảm sâu. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản, tạo cơ hội cho nguồn cung từ các thị trường khác vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời, năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, vòng chung kết Euro 2020, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu, đặc biệt là tôm, nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới. Dịch Corona bùng phát tại Trung Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc.
“Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…”, ông Hòe nói.
Đặc biệt, khi xuất khẩu có tín hiệu không thuận, nên tập trung gia tăng thị phần ngay tại thị trường nội địa. Đại diện VASEP nhấn mạnh, đây cũng là hướng đi để ngành thủy sản phát triển bền vững.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, trước tình hình xuất khẩu tới một số thị trường chính gặp khó khăn từ năm 2019, đến đầu năm 2020 lại ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên nhiều doanh nghiệp trong ngành đang có xu hướng đưa cá tra quay lại chinh phục thị trường trong nước.
Theo ông Quốc, cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá lại rẻ, nhưng chưa được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. “Vì vậy, bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, mở rộng kênh phân phối tại thị trường trong nước...”, ông Quốc nhấn mạnh.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, để vượt qua những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp không nên trông đợi quá nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó có thể là những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối…, nhưng về dài hạn, doanh nghiệp phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn...
|
(Theo báo Đầu tư)