Ngành nông, lâm, thủy sản: Tìm cơ hội mới

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu (XK) mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng đây cũng là dịp để các doanh nghiệp (DN) và người sản xuất thích ứng, tìm những cơ hội mới.

Chủ động thích ứng

Tỉnh Long An có 14.000 ha thanh long, cho sản lượng 400.000 tấn quả tươi, thị trường XK chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc. Dù thị trường Trung Quốc đã được khơi thông phần nào, tình hình XK vẫn chậm và đã giảm tới 80%. Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An – cho biết, một số DN lại đang vướng ở thị trường Hàn Quốc, người dân Hàn Quốc gần như không đi siêu thị, họ không mua hàng.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, XK rau, quả sang thị trường Trung Quốc đạt 300,3 triệu USD, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Đến đầu tháng 3/2020, dịch Covid- 19 lan rộng, XK rau, quả sang các thị trường khác cũng không mấy khả quan. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group - cho biết, hiện công ty chỉ XK được 3 mặt hàng là dừa, nhãn và sầu riêng sang các thị trường EU và Mỹ vì có thời gian bảo quản dài. Các mặt hàng khác hầu như ngưng lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này vẫn có những DN không “nằm im” chịu trận, họ tìm được lối đi khác và tăng trưởng. Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh - cho biết, công ty đã đẩy mạnh đa dạng hóa nhiều thị trường như: EU, Bắc Mỹ, Mỹ, Trung Đông; tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ... Do đó, tăng trưởng XK của công ty vẫn đạt 120% - 130% trong quý I/2020 so với cùng kỳ.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nafoods thì hàng loạt giải pháp được thực hiện. Đích thân chủ tịch HĐQT gửi thư cho các khách hàng từ khắp nơi trên thế giới, nhà cung cấp để mọi người cùng thấu hiểu... Kết quả, trong quý I/2020, kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch Covid-19 xảy ra, XK ngừng trệ, nhưng vườn thanh long sạch của ông Nguyễn Ngọc Tài (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) vẫn được DN thu mua ổn định, giá bán cao hơn từ 20 - 30% so với mức giá thị trường. Điều đó cho thấy, làm theo tiêu chuẩn, cũng chính là cách để vượt qua rủi ro.

Nhanh tay bắt sóng thị trường

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhận định, dịch Covid- 19 mang đến rủi ro, nhưng cũng có một số cơ hội. Dự kiến, sau 3 - 5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng sẽ chuyển từ mua các mặt hàng tươi sang các mặt hàng đồ hộp, đông lạnh. Khoảng trống từ một số nguồn cung ứng nông sản bị đứt gãy tại các quốc gia chính là cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận.

Để hỗ trợ DN, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore- cho biết, Thương vụ đã chủ động kết nối với các hiệp hội ngành hàng của nước sở tại và của Việt Nam, đồng thời đề xuất với Văn phòng đại diện hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cùng chung tay hỗ trợ các DN XK, đảm bảo thông thương hàng hóa, ưu đãi mức giá vận chuyển thấp hơn mức giá của thị trường. Trong tháng 3/2020, hơn 20 đơn hàng nông sản, thực phẩm khoảng 500 tấn từ Việt Nam đã được Thương vụ kết nối sang Singapore.

Giữa tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã điện đàm với lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và đề nghị các cơ quan liên quan Trung Quốc tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản XK của Việt Nam cũng như hàng hóa qua biên giới đất liền giữa một số tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với Quảng Tây. Chiều 9/4/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có buổi điện đàm với Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan để trao đổi về một số vấn đề liên quan tới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hợp tác thương mại giữa hai bên trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ Công Thương nhận định, dịch Covid- 19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản, tuy nhiên cũng có những kỳ vọng tích cực. Cụ thể, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam sang thị trường này. Ngoài ra, các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được kỳ vọng sẽ tác động thúc đẩy sản xuất trong nước…

Đối với DN XK nông, lâm, thủy sản, việc nắm bắt thông tin thị trường là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

(Theo báo Công Thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục