Trên chặng đường phát triển 30 năm, Sở KH-CN Phú Yên đã tập trung các đề tài, dự án vào việc giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các ngành, lĩnh vực; đồng thời đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Khoa học hướng vào thực tiễn
Tại buổi tọa đàm nhân Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), bài phát biểu của ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Ông Thu cho rằng ngành KH-CN tỉnh đã kế thừa được những thành tựu KH-CN của những năm trước và có những nỗ lực, đổi mới đáng mừng. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông hoạt động KH-CN tỉnh nhà cần phải nhìn thấy những tồn tại vướng mắc và hướng đến những vấn đề bức xúc trong xã hội để xử lý.
Sau ngày tái lập tỉnh (tháng 7/1989), cũng như các ban ngành khác, ngành KH-CN bắt tay xây dựng lại, từ đầu tư xây dựng bộ máy tổ chức, công tác quản lý nhà nước đến xúc tiến các hoạt động KH-CN. Vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu, ngành KH-CN từng bước được củng cố, kiện toàn, nhất là từ khi Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh được thành lập vào năm 1993.
Mang trên mình sứ mệnh giải quyết các vấn đề bức xúc của kinh tế - xã hội, vấn đề về tăng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật - công nghệ, chuyển giao các công nghệ mới cho doanh nghiệp phát triển, các vấn đề về khoa học quản lý nhà nước... đòi hỏi ngành KH-CN tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao KH-CN, lực lượng cán bộ khoa học trong tỉnh đóng góp đắc lực vào việc triển khai các dự án, chương trình ở địa phương. Kết quả là thời gian qua, Sở KH-CN đã hướng hoạt động vào các ngành trọng tâm, đến nay khoảng 70% đề tài, dự án KH-CN được thực hiện mang tính thực tiễn cao, phục vụ đời sống xã hội, giúp cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN thấm sâu vào hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có bước chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều nguồn lực, tạo ra những sản phẩm, giống cây trồng năng suất, có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Doanh nghiệp là trung tâm của sự đổi mới
Nếu như trước đây, các dự án, đề tài nghiên cứu thường tập trung ở viện nghiên cứu, trường đại học thì gần đây hoạt động KH-CN có sự xoay trục sang doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện nghiên cứu, phát triển KH-CN; các viện nghiên cứu, trường đại học là đơn vị giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Năm 2015, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hoàng Long Vina đề xuất nhiệm vụ: “Nghiên cứu sản xuất phân bón NPK một hạt chất lượng cao sử dụng một số cây trồng chủ lực bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” được Hội đồng KH-CN tỉnh tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN trình UBND tỉnh gửi Bộ KH-CN xem xét, phê duyệt đưa vào danh mục nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia năm 2015-2016. Năm 2016, công ty khánh thành nhà máy sản xuất phân bón NPK một hạt bằng công nghệ tháp cao đầu tiên tại Việt Nam.
Hay như Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cũng là đơn vị tiên phong ứng dụng KH-CN trong sản xuất tôm giống. Trước tình hình dịch bệnh và những bất cập của nghề nuôi tôm ở nước ta hiện nay, công ty này đã nghiên cứu quy trình ương tôm thẻ chân trắng theo công nghệ mới, mở ra hướng đi mang tính ổn định, bền vững cho nghề nuôi tôm hiện nay. Hiện, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc là đơn vị được Bộ KH-CN hỗ trợ dự án Nuôi tôm hùm trên bể.
Theo ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN, Đoàn Thanh niên có chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hội Nông dân có chương trình nông thôn miền núi. Vì vậy, những năm gần đây, Bộ KH-CN luôn đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp như hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ... Trong chiến lược phát triển KH-CN tỉnh Phú Yên đến năm 2030, ngành KH-CN phải có quy mô ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và vị thế của tỉnh trong giai đoạn này. Tương ứng với sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện đó, từ năm 2021-2030, Phú Yên hướng đến mục tiêu đưa sáng tạo các công nghệ mới, làm chủ công nghệ cao, góp phần đưa kinh tế của tỉnh phát triển, hướng đến một nền kinh tế tri thức, tạo lập cơ sở thực tiễn để quá trình phát triển thực sự bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Cần chủ động đổi mới
Để có thể xác lập vị trí và đứng vững trên thị trường trong điều kiện có nhiều biến động như hiện nay, ngoài những chính sách ưu đãi từ Nhà nước thì doanh nghiệp cũng cần tự nhìn lại để đặt mình vào bối cảnh hiện tại để có sự thay đổi phù hợp.
Ông Lê Văn Cựu cho biết: Tỉnh xác định doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để tác động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học để cải tiến công nghệ, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, xu hướng chung của doanh nghiệp hiện nay là phải đổi mới, sáng tạo mới có thể mang lại lợi thế cạnh tranh và tạo tiền đề cho sự phát triển. Chỉ khi nào doanh nghiệp chủ động sáng tạo, đổi mới thì các chính sách ưu đãi của Nhà nước mới phát huy tác dụng.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, cho biết: Khi hội nhập nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều thời cơ, nhưng cũng đứng trước những thách thức rất lớn. Lúc này, KH-CN là động lực then chốt giúp tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, việc nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả KH-CN vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần được xác định trong chủ trương, chính sách phát triển trong mỗi doanh nghiệp.
“Trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, chúng tôi luôn khuyến khích người lao động có những sáng kiến mang lại lợi ích cho sản xuất, kinh doanh; sẵn sàng đầu tư đổi mới công nghệ; không chấp nhận công nghệ lạc hậu; chú trọng thúc đẩy, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện để phát triển ứng dụng KH-CN cao. Nhờ có sự chủ động của doanh nghiệp nên chúng tôi mới được Sở KH-CN quan tâm và Bộ KH-CN hỗ trợ”, ông Tình nói.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đồng thời khắc phục khó khăn, tồn tại trong thời gian qua, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở KH-CN đang hướng đến việc hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư có trọng điểm các ngành quan trọng nhằm tăng khả năng doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ tiên tiến; đồng thời tìm phương án đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đưa khoa học vào phục vụ đời sống thực tiễn nhiều hơn nữa.
KH-CN phải đồng hành cùng doanh nghiệp, bởi trong quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nhân là những người dám dấn thân và kiên trì với cuộc chiến tạo ra các giá trị mới. Họ đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân; có ý thức cống hiến trước khi nhận thành quả. Khi có thành quả rồi họ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xã hội, tạo ra cơ hội việc làm, cơ hội học hành, sự phát triển cho rất nhiều cá nhân khác.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao CiT EDU, chuyên gia đào tạo tư duy hàng đầu tại Việt Nam
|
(Theo báo Phú Yên)