Ngân hàng (NH) Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long vừa tổ chức cuộc họp với hơn 10 tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn nhằm triển khai giải pháp phòng dịch tại đơn vị và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Triển khai quyết liệt phòng dịch bệnh
Theo NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tâm lý của người dân.
Từ sự chỉ đạo của cấp trên, NH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng. Theo đó, đến ngày 12/3/2020, có 41 khách hàng áp dụng các biện pháp hỗ trợ, với dư nợ hơn 90 tỷ đồng. Trong đó, 27 khách hàng được miễn, giảm lãi vay dư nợ 69,5 tỷ đồng; 14 khách hàng được cơ cấu thời gian trả nợ với dư nợ 20,6 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NH Nhà nước về gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19 với cam kết giảm lãi suất từ 0,5- 1%, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 chi nhánh NH đăng ký thực hiện hỗ trợ, gồm: NH TMCP
Đầu tư- Phát triển, NH Nông nghiệp- PTNT, NH TMCP Quân đội, NH TMCP Á Châu. Bên cạnh, các NHTM cũng đã triển khai giải pháp giao dịch không dùng tiền mặt, giảm chi phí chuyển tiền…
Tại cuộc họp, nhiều tổ chức tín dụng cho biết, đang triển khai quyết liệt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng dịch bệnh, chủ động rà soát đối tượng hưởng ưu đãi về miễn, giảm lãi vay cũng như cơ cấu thời gian trả nợ và cho vay mới theo quy định.
Cụ thể, theo đại diện NHTM CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Vĩnh Long, qua rà soát có 39 khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh các lĩnh vực như: xuất khẩu thủy sản, chăn nuôi cá tra, khách sạn nhà hàng, ăn uống... vay ngắn và trung dài hạn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với tổng dư nợ khoảng 70 tỷ. Hiện đơn vị đang chủ động liên lạc khách hàng để có phương án hỗ trợ.
Liên quan đến việc khử trùng và đảm bảo sức khỏe nhân viên và khách hàng trong giao dịch, đại diện NH này cũng cho biết đã trang bị xà bông, nước chống khuẩn, khẩu trang và triển khai đến toàn thể nhân viên thực hiện.
“Từ thời điểm phát hiện dịch đến nay chi nhánh đã chi khoảng 300 triệu đồng cho công tác phòng dịch và dự kiến tốn cả tỷ đồng cho mỗi chi nhánh. Còn tại các điểm ATM của hệ thống cũng trang bị cồn rửa tay khô kháng khuẩn cho khách hàng khi giao dịch”- đại diện Sacombank chi nhánh Vĩnh Long cho biết.
Trước đó, NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long cũng đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu thực hiện thường xuyên các giải pháp phòng dịch, tổ chức kiểm tra thân nhiệt cho cán bộ, người lao động và khách đến giao dịch, công tác trước khi vào cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tế; yêu cầu các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh, ho, sốt đến ngay các cơ sở y tế để được khám và xử lý...
Khách hàng ưu đãi lãi suất thấp
Tại cuộc họp này, NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long đã triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) ngày 13/3/2020 của NH Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, 3 đối tượng áp dụng gồm: tổ chức tín dụng (không bao gồm NH chính sách), chi nhánh NH nước ngoài; khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài (trừ khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài); tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và (hoặc) lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19; khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và (hoặc) lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch COVID-19.
Thông tư này cũng quy định về miễn, giảm lãi, phí; xem xét cho vay mới đối với khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5- 1%/năm. Với NH Chính sách xã hội thì không thuộc đối tượng áp dụng của thông tư nhưng phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Trọng Nghiệp- Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long- yêu cầu các tổ chức tín dụng “không ngồi chờ” mà phải chủ động rà soát, liên hệ khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp, kể cả gián tiếp để tiếp cận các gói ưu đãi.
“Hỗ trợ khách hàng là hỗ trợ chúng ta, khách hàng vượt khó khăn thì chúng ta vượt qua khó khăn”- ông lưu ý phải quán triệt, triển khai quyết liệt và hiệu quả- “mở tối đa” các chính sách về miễn, giảm lãi suất, nhất là xem xét cơ cấu nợ cho vay mới, tạo điều kiện khách hàng tái sản xuất kinh doanh.
Ông cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài tăng cường các hoạt động online trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế đi lại và khách hàng phải đến trực tiếp NH để giao dịch. Cần chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho các hoạt động được liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Triển khai Công điện số 02 của NH Nhà nước, NH Nhà nước chi nhánh Vĩnh Long yêu cầu các tổ chức tín dụng có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về NH Nhà nước. Trường hợp lượng tiền mặt tồn kho nhiều, sau khi khử khuẩn có thể lưu giữ tại kho một thời gian nhất định trước khi xuất tiền chi ra cho khách hàng.
|
(Theo báo Vĩnh Long)