Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) sẽ là cú hích cho nhiều sản phẩm xuất khẩu của VN sang thị trường EU nếu đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó nhiều mặt hàng nông thủy sản được hưởng lợi lớn khi nhiều dòng thuế chỉ còn 0% từ 1-8.
Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tham gia buổi tọa đàm "Triển khai Hiệp định EVFTA - Hàng Việt rộng mở vào EU", do báo Tuổi Trẻ và Bộ Công thương phối hợp tổ chức vào chiều 17-7, kết nối trực tuyến với ba thương vụ Việt Nam tại Đức, Pháp và EU.
Thuế đối với hàng rau quả như tỏi, nấm... sẽ cắt giảm xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực nên các sản phẩm này của VN có nhiều thuận lợi khi xuất sang thị trường EU, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu rau củ quả VN vào EU những năm qua tăng rất mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 25%.
|
Ông Trần Văn Công (tham tán nông nghiệp VN tại EU)
Nông sản Việt hưởng lợi ích kép
Trao đổi trực tuyến tại buổi tọa đàm, ông Trần Văn Công, tham tán nông nghiệp VN tại EU, cho biết xuất khẩu nông sản VN vào thị trường EU chỉ đứng thứ hai, sau Hoa Kỳ, và lĩnh vực nông sản sẽ được hưởng lợi lớn khi EVFTA có hiệu lực, nhờ cam kết cắt giảm thuế tối đa theo EVFTA.
Cũng theo ông Công, mỗi năm EU nhập khẩu 150 tỉ euro, trong khi VN mới xuất sang thị trường này khoảng 4,5 tỉ euro, dư địa còn rất lớn. Các nhóm hàng nông sản chủ lực của VN có lợi thế rất lớn, không bị cạnh tranh trực tiếp với các nhóm hàng của các đối thủ. "Lợi thế này sẽ được nhân đôi cho nông sản khi chúng ta tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu vào EU" - ông Công nhấn mạnh.
Phân tích về lợi thế từng mặt hàng VN xuất sang EU, ông Công cho biết thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản rất lớn, lên tới 60 tỉ euro mỗi năm, trong đó VN xuất sang thị trường này chỉ mới đạt 1,13 tỉ euro.
Trong khi đó, sau khi EVFTA có hiệu lực, hầu hết các nhóm hàng thủy sản xuất vào EU được cắt giảm thuế, đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn với các đối thủ như Thái Lan hay một số nước ở Nam Mỹ, vốn không có lợi thế này.
Với nhóm hàng rau quả, EU nhập khoảng 35 tỉ euro mỗi năm, trong khi VN chỉ mới xuất sang thị trường này khoảng 130 triệu euro, dư địa còn khá lớn. Đặc biệt, với sản phẩm rau quả, EU chỉ yêu cầu giấy kiểm dịch theo các lô hàng và áp dụng hậu kiểm về an toàn thực phẩm, chứ không áp dụng các quy trình như một số đối tác như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đòi hỏi phải đánh giá rủi ro và cấp mã vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói...
"Thuế đối với hàng rau quả như tỏi, nấm... sẽ cắt giảm xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực nên các sản phẩm này của VN có nhiều thuận lợi khi xuất sang thị trường EU, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu rau củ quả VN vào EU những năm qua tăng rất mạnh, bình quân mỗi năm khoảng 25%" - ông Công nói.
Ngoài ra, các nhóm hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU còn có đồ gỗ với kim ngạch nhập khẩu của EU lên tới 20 tỉ euro mỗi năm, trong khi VN mới xuất sang thị trường này khoảng 680 triệu euro/năm, chưa kể các nhóm hàng như gạo, hồ tiêu hay hạt điều... Không chỉ các mặt hàng nông sản, theo ông Đỗ Việt Tùng - phó trưởng phòng châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), các nhóm hàng dệt may, da giày, điện thoại, đồ điện tử của VN còn nhiều triển vọng vào thị trường này.
Ông Trần Văn Công, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, trao đổi trực tuyến.
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng EVFTA còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Đỗ Việt Tùng, chiến tranh thương mại khiến xu hướng các doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ đang chuyển dịch đầu tư sang các quốc gia khác để đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp của họ tại EU.
Do đó, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để hợp tác với đối tác EU trong thu hút đầu tư những lĩnh vực mà VN có thế mạnh, tăng xuất khẩu những sản phẩm của mình vào EU.
Trao đổi trực tuyến qua điểm cầu tại Hà Lan, đại diện nhà nhập khẩu, ông Alfons Van Guilick - chủ tịch Nedspice Group, cho hay EVFTA là nền tảng để Liên minh châu Âu và VN tăng cường thương mại, đầu tư. Đối với VN, hiệp định này sẽ tạo sự khác biệt cho sản phẩm của VN. Cụ thể, VN sẽ gia tăng hình ảnh cũng như thương hiệu cho sản phẩm trong mắt người tiêu dùng EU.
"Đây là cơ hội để sản phẩm của VN nâng cao chất lượng khi đáp ứng được các tiêu chuẩn vào EU", ông Alfons Van Guilick nói.
Chưa hết, đây cũng là cơ sở để VN duy trì chuỗi cung ứng bền vững trên quy mô toàn cầu. Đối với sản phẩm gia vị của VN chẳng hạn, Nedspice Group đã có nhà máy sản xuất gia vị ở VN 20 năm nay. Các gia vị của VN đã được xuất đi rất nhiều nước trên thế giới.
"Do đó, EVFTA là cú hích, tạo đà mới cho VN phát huy đổi mới sáng tạo bền vững. EVFTA là cơ sở để VN phát triển chuỗi cung ứng" - ông Alfons Van Guilick nhận định.
Ngoài những lợi ích nêu trên, theo các chuyên gia, EVFTA còn giúp VN cải thiện chất lượng sản phẩm và đón nhận dòng đầu tư từ EU sang VN. Ông Iwan Rutjens, bí thư thứ nhất Kinh tế & thương mại Hà Lan tại VN, đánh giá EVFTA giúp cho doanh nghiệp Hà Lan nói riêng và EU nói chung có vị thế tốt hơn khi đầu tư ở VN trong bối cảnh VN ký nhiều hiệp định thương mại với các đối tác khác.
"Còn với EVFTA, VN tận dụng được lợi thế về công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo mà các doanh nghiệp có để VN nâng cao năng lực cạnh tranh. Tóm lại, EVFTA mang lại lợi ích cho cả hai phía", ông Iwan Rutjens khẳng định.
Hàng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các lợi thế mà EVFTA mang lại khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU, các ý kiến đều lưu ý doanh nghiệp cần phải đảm bảo tiêu chuẩn. Chẳng hạn, theo ông Công, sản phẩm rau củ quả của VN phải đảm bảo chứng nhận an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu về bảo toàn tài nguyên phát triển bền vững áp dụng vào quá trình sản xuất...
Ông Đỗ Việt Tùng khuyến cáo các doanh nghiệp Việt xuất hàng sang EU cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc, nhất là các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp VN cần tính đến tác động của dịch bệnh COVID-19.
"Đại dịch đã làm thay đổi chính sách của các nước cũng như thói quen tiêu dùng của người dân EU. Người dân hạn chế mua sắm những mặt hàng xa xỉ mà tập trung vào sản phẩm thiết yếu. Đặc biệt, họ ưu tiên mua sản phẩm trong khối EU để yên tâm hơn về chất lượng hàng hóa", ông Tùng nói.
Theo các chuyên gia, dù có nhiều dư địa tại thị trường EU nhưng vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp phải đáp ứng được những đòi hỏi mà thị trường EU đưa ra, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật. Doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu thị trường, tìm hiểu đối tác qua các tham tán thương mại tại EU để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt vào EU.
Ông Iwan Rutjens cũng đề nghị các thương vụ, cơ quan ngoại giao của VN cần tìm hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp VN về nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các nước EU để hàng hóa VN có thể xuất vào một cách thuận lợi. Chẳng hạn, cà phê là sản phẩm nông sản chủ lực của VN nhưng chưa có mặt ở Hà Lan, trong khi người Hà Lan uống cà phê như uống nước.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, tham tán thương mại VN tại Pháp, cho biết dịch bệnh khiến yêu cầu của người tiêu dùng Pháp đòi hỏi cao hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản. Người Pháp không chỉ quan tâm đến việc thực phẩm ngon mà còn phải sạch nữa.
"Trên thực tế, có vẻ một số nhà sản xuất VN chưa quan tâm nhiều đến yếu tố hàng sạch khi xuất nông sản của VN sang Pháp", bà Quỳnh Anh nhận định.
Nhiều dòng thuế được cắt giảm mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Duy Tùng - vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính - cho biết sau thời gian dài đàm phán và ký kết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8.
Theo cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu VN vào EU. Và sau 7 năm nữa, 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của VN, sẽ được EU xóa bỏ thuế. Ngược lại, VN cắt giảm 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5%, về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực và 91,8% về 0% sau 7 năm nữa...
(Theo báo Tuổi trẻ)