Nâng tầm giá trị thủy sản Việt

Chia sẻ kiến thức và ứng dụng công nghệ vào các hoạt động nuôi trồng nhằm từng bước nâng giá trị thủy sản Việt Nam là những gì mà Trần Duy Phong đang làm với Tép Bạc

Đầu tháng 12 vừa qua, Tép Bạc đã vượt qua nhiều start-up khác để trở thành quán quân Start-up Việt 2020. Người sáng lập và điều hành Tép Bạc là chàng trai 9X có tên Trần Duy Phong.

Cung cấp thông tin hữu ích

Nâng tầm giá trị thủy sản Việt

CEO Trần Duy Phong trình bày dự án Tép Bạc tại cuộc thi Start-up Việt 2020

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tép Bạc là hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản thay đổi thói quen và mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi trồng, từ đó nâng cao chất lượng các loại thủy sản xuất khẩu. "Tép Bạc cũng hỗ trợ các trại nuôi cách đo các chỉ số, nhật ký về quy trình, chứng nhận xuất khẩu quốc tế... Dự án (DA) tạo ra nền tảng công nghệ từ đám mây (cloud) giúp chủ nuôi theo dõi nhật ký nuôi, tính toán chi phí, cảnh báo diễn biến bất thường của môi trường và kết nối cùng chuyên gia" - Phong cho biết.

Phong cùng đội ngũ xây dựng Tép Bạc từ năm 2017 với ý tưởng ban đầu là chia sẻ thông tin, kiến thức nuôi trồng thủy sản để người dân nâng cao kiến thức và phòng tránh những rủi ro. Nhưng khi nhận thấy tiềm năng của ngành, Phong đã từng bước phát triển Tép Bạc thành một dự án. Phong chia sẻ ngành nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam rất tiềm năng, xuất khẩu ra nhiều nước, mang về nhiều tỉ đô-la Mỹ. Thủy sản của Việt Nam rất đa dạng, chất lượng tốt nhưng lại không có cơ sở dữ liệu gì để chứng minh với khách hàng khó tính nên rất khó thâm nhập thị trường lớn. Thêm nữa, việc nuôi trồng thủy sản hiện phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đặc biệt là nông dân không có người tham vấn về sự cố trong quá trình nuôi trồng. Do vậy, khi triển khai dự án, Phong tự tin Tép Bạc sẽ làm tất cả để góp phần cùng người dân đưa thủy hải sản Việt Nam đến mọi thị trường trên thế giới với giá trị mang lại cho người nuôi cao hơn hiện tại.

Đến nay, Tép Bạc còn là cơ sở thông tin thủy sản cung cấp thông tin hữu ích trong ngành nuôi, kỹ thuật nuôi, tình hình giá cả và nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân với khoảng 10.000 lượt truy cập mỗi ngày. Tép Bạc đã phát triển thiết bị quan trắc môi trường nước tự động tích hợp cùng phần mềm, giải quyết các rủi ro về thay đổi môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Hơn 2 năm qua, ứng dụng và thiết bị đã được thử nghiệm tại các trại nuôi ở các tỉnh ĐBSCL và thu được kết quả rất khả quan.

Giảm thiểu rủi ro

Với sự am hiểu về ngành thủy sản, Tép Bạc đã phát triển nền tảng quản lý trại nuôi thủy sản từ xa (Farmext). Ứng dụng là sự kết hợp giữa phần mềm quản lý trại nuôi từ xa và thiết bị IoT (internet vạn vật) quan trắc môi trường nước có phân quyền quản lý giúp cho việc điều hành thuận lợi, đạt hiệu quả cao và giảm thiểu rủi ro, đồng thời thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, giảm tác động môi trường, truy xuất được nguồn gốc thủy sản, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn. CEO Tép Bạc khẳng định Farmext có tính năng không chỉ dự báo được sản lượng mà còn ước tính được doanh thu, lợi nhuận, một cân bao nhiêu con tôm, bán được bao nhiêu tiền.

Sàn giao dịch thủy sản cũng là điểm nhấn quan trọng trong dự án của Tép Bạc. Theo đó, mỗi vụ nuôi đều có một mã QR code giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, con tôm được nuôi từ lúc nào, giống của công ty nào, cho ăn thức ăn gì, khi nào thu hoạch, bán cho ai... Ông Lê Hoàng Việt - chủ nhiều ao tôm, cua tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre - cho biết xưa nay vẫn nuôi theo kinh nghiệm từ cha ông để lại. "Năm được năm mất nhưng chẳng biết làm sao, thỉnh thoảng có cán bộ nông nghiệp đến chia sẻ kiến thức nhưng cũng ít dự vì ngày đêm ngoài ao. Giờ có Tép Bạc thì cứ nằm nghỉ là lên đó đọc kiến thức, rồi ứng dụng các cái trên đó chỉ dẫn để kiểm soát nước, bệnh. Những người nuôi như tôi cũng gặp nhau trên Tép Bạc để chia sẻ thông tin cũng như buôn bán trên đó luôn, rất tiện. Giờ chỉ lo nuôi thôi, tất cả các thứ có Tép Bạc lo rồi" - ông Việt nói.

Ông Việt là một trong hàng ngàn hộ nuôi thủy sản cảm thấy yên tâm và tin tưởng vào Tép Bạc bởi giá trị mà dự án khởi nghiệp này mang lại cho họ là rất lớn. Dự án không chỉ giúp người dân giảm chi phí nuôi trồng và nâng giá trị hàng hóa mà còn hỗ trợ họ tìm đầu ra ổn định sản phẩm. Mục tiêu của Phong bước đầu đã đạt được nhưng tham vọng của Phong không dừng lại ở đó. "Tép Bạc đang có tốc độ tăng trưởng 300% và đã phục vụ hàng ngàn khách hàng lớn, hợp tác với các đối tác trong nước lẫn quốc tế trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu thủy hải sản" - Phong cho biết thêm. 

"Tép Bạc sẽ liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp chế biến để ổn định đầu ra cho người dân, hướng tới xây dựng nền tảng liên kết chuỗi giá trị trong ngành thủy sản” - CEO Trần Duy Phong cho biết.

(Theo NLĐ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục