Nâng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương qua thương mại điện tử

Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Long An là những tỉnh thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (TMĐT) để nâng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Sớm nhận thấy vai trò, tầm ảnh hưởng của TMĐT đến các hoạt động quản lý, kinh tế, xã hội, thời gian qua, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã có nhiều chương trình, kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Những hoạt động phổ biến được ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL thực hiện có thể kể như: Tổ chức các hội thảo giới thiệu TMĐT, hỗ trợ xây dựng website cho doanh nghiệp (DN), khởi động xây dựng sàn giao dịch TMĐT với nội dung giới thiệu các đặc sản của từng địa phương, tổ chức khóa đào tạo Digital 4.0, bán hàng trực tuyến trên Amazon...

Điển hình là việc hợp tác giữa tỉnh Bến Tre với Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) và sàn TMĐT Lazada.vn để đưa hàng đặc sản, nông sản địa phương tiếp cận người tiêu dùng cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Niệm - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre - tỉnh đã hợp tác với những đơn vị kể trên thực hiện chương trình “Ngày của làng dừa” mang lại nhiều hiệu quả, có sức lan toả lớn không chỉ với các DN kinh doanh sản phẩm dừa mà với cả DN kinh doanh các sản phẩm khác.

Từ kết quả này, sắp tới, Sở Công Thương Bến Tre sẽ hợp tác với một số kênh TMĐT khác để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa địa phương. Cụ thể như Lazada sẽ tiếp tục giúp các DN Bến Tre đưa sản phẩm lên sàn Lazada.vn; Công ty IMGroup và Vietnam Digital 4.0 hỗ trợ việc đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT cho một số DN trên địa bàn tỉnh; Công ty Fado hỗ trợ đưa một số sản phẩm đặc thù của Bến Tre lên sàn Alibaba...

Tháo gỡ vướng mắc để DN tiếp cận hiệu quả

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã biết tới việc ứng dụng các sàn, mạng xã hội và website để kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên việc ứng dụng vẫn chưa thực sự hiệu quả, quá trình đăng ký tham gia các sàn còn nhiều vướng mắc.

Thậm chí tỉnh Đồng Tháp còn có hẳn một sàn giao dịch TMĐT do Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư Đồng Tháp vận hành. Ở sàn này, các đặc sản như hủ tiếu, bánh phở Sa Đéc, cá tra, gạo sạch… đều được DN giới thiệu chào bán nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa thực sự như kỳ vọng.

Vì thế, DN tỉnh Đồng Tháp cần hỗ trợ các từ khâu đào tạo, tư vấn việc tham gia các sàn TMĐT một cách hiệu quả, hoặc cần được ưu đãi miễn phí cho DN trên địa bàn tỉnh trong quá trình sử dụng các phương tiện để làm quen với phương thức kinh doanh này.

Tương tự, An Giang là địa phương có nhiều sản phẩm tiềm năng phù hợp với bán hàng trực tuyến như các sản phẩm từ bưởi sấy, xoài sấy, cá linh, tinh dầu, đồ mỹ nghệ… Tuy nhiên theo phản ánh của đa số DN, họ vẫn chưa ứng dụng hiệu quả việc kinh doanh trực tuyến do sợ rủi ro và chưa quen với việc thanh toán qua sàn TMĐT.

Hay với Long An, đa số DN trong tỉnh vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận TMĐT, điển hình là nhóm các hợp tác xã, làng nghề. Nhóm này cần nhiều hơn nữa về việc đào tạo nâng cao nhận thức và cách thức tiếp cận khách hàng trên môi trường trực tuyến.

Trước thực trạng trên, trong thời gian tới ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL sẽ chú trọng tới kinh doanh trực tuyến để truyền thông, quảng bá cho những sản phẩm nông sản, đặc sản của từng tỉnh nhằm tận dụng lợi thế trên môi trường kinh doanh trực tuyến. Cụ thể là hỗ trợ DN tham gia các khóa đào tạo, kết nối với một số sàn kinh doanh trực tuyến như Alibaba, Amazon…

Đơn cử như An Giang, Sở Công Thương đã và đang phối hợp với VECOM và thành viên của VECOM để thực hiện tư vấn trực tiếp, cam kết hỗ trợ những DN trên địa bàn từ việc mở gian hàng, xây dựng website và các công cụ quản lý hoạt động kinh doanh, các chương trình đào tạo miễn phí về kinh doanh trực tuyến… Qua đó hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên sàn TMĐT để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

“Tôi tin rằng thông qua các sàn TMĐT như Lazada, Fado, Amazon, Alibaba… các nhà sản xuất, DN An Giang sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cân khách hàng, cơ hội lựa chọn thị trường, lựa chọn đối tác xuất khẩu, không phải qua trung gian, giảm thiểu tình trạng bị ép giá”, ông Võ Nguyên Nam - Giám đốc Sở Công Thương An Giang tin tưởng.

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh khác còn yếu, vì thế VECOM sẽ thực hiện “Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 - 2025” nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng thương mại điện tử tại các địa phương trên cả nước và thu hẹp khoảng cách số.

(Theo báo Công Thương)

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục