Nam Định: Nâng cao chất lượng sản xuất giống thủy sản

Năm 2019, sản lượng giống thủy sản các loại của tỉnh Nam Định sản xuất được 12,452 tỷ con, tăng gần 5% so với năm 2018. Trong đó, sản xuất giống nước ngọt được 1,265 tỷ con, ương nuôi được 900 triệu cá giống, chủ yếu là các loại cá truyền thống. Sản lượng giống mặn lợ đạt 11,187 tỷ con, tăng 8,2% so với năm 2018. Một số đối tượng nuôi như lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan, ốc nhồi cũng đang được Trung tâm Giống thủy đặc sản, một số người dân của huyện Nghĩa Hưng tiếp cận và sản xuất; các giống mặn lợ vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh, tập trung tại các xã ven biển của huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng với các đối tượng chủ yếu là ngao, hàu, tôm sú, cua biển, cá bống bớp...

Năm 2020, ngành thủy sản của tỉnh phấn đấu sản xuất khoảng 13 tỷ con giống; trong đó khoảng 11 tỷ con giống nước mặn lợ và khoảng 2 tỷ con giống nước ngọt. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Sở NN và PTNT đang tập trung chỉ đạo các cơ sở chủ động sản xuất và cung ứng nguồn giống thủy sản kịp thời vụ và đạt chất lượng cho các hộ nuôi.

Ngay từ đầu năm, Sở NN và PTNT đã chủ động hướng dẫn các hộ nuôi cải tạo ao đầm, bãi triều, chuẩn bị tốt cho thả giống các đối tượng thủy sản. 115 trại sản xuất giống hải sản và 22 trại giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh đã rà soát nhu cầu giống, xây dựng kế hoạch sản xuất cung ứng, tập trung chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố mẹ. Thanh tra Sở NN và PTNT, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện thực hiện quản lý chặt chẽ hệ thống cung ứng giống từ các nơi khác về tỉnh; kiểm soát toàn bộ nguồn giống nhập, đối chiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, đánh giá chất lượng giống, thu mẫu xét nghiệm đối chứng, xử lý vi phạm trong vận chuyển lưu thông nhằm ngăn chặn, loại bỏ những lô giống kém chất lượng, nhiễm bệnh. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh con giống, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm hoặc tái phạm. Huyện Giao Thủy hiện có khoảng 100 trại giống thủy sản. Nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Thú y, hàng năm, các Công ty giống của huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về sản xuất con giống thủy sản. Nhiều xã trên địa bàn huyện đã tự sản xuất được giống cua biển, ngao, vạng… đạt hiệu quả cao.

Huyện Nghĩa Hưng có 13 trại giống thủy sản, trong đó, hộ anh Nguyễn Văn Sơn ở khu 6, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có tiếng trong nuôi cá bống bớp. Cùng với nuôi cá thương phẩm, anh cũng có khoảng 20 bể ương giống cá bống bớp nhân tạo. Ngoài ra anh còn nhập cá giống tự nhiên do người dân bắt ngoài bãi về để thuần. Để đảm bảo chất lượng con giống, anh tập trung đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng trại giống khang trang, mời các kỹ sư thủy sản về trực tiếp theo dõi tình trạng của cá giống và hỗ trợ kỹ thuật. Huyện Hải Hậu có 13 trại giống thủy sản.

Ông Trần Văn Châu, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có thâm niên trong việc sản xuất hàu giống. Từ tháng 6 đến tháng 3 (âm lịch) hàng năm, ông Châu sản xuất 3-4 đợt hàu giống, mỗi đợt kéo dài 1,5 tháng. Ông Châu cho biết, hàu là đối tượng khó sản xuất giống. Mỗi công đoạn đều yêu cầu kỹ thuật cao. Từ chuẩn bị các nguyên vật liệu đến thực hiện nhiều công việc liên quan để đảm bảo giống chất lượng tốt. Theo ông Châu, yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả trong quá trình sản xuất chính là nguồn nước, bởi nước sạch thì hàu giống mới khỏe mạnh. Vì vậy ông đã trang bị 4 bể lọc cát với lớp cát dày 40cm. Nguồn nước trước khi đưa vào sản xuất sẽ được để lắng từ 3-4 ngày, sau đó bơm vào bể lọc, lọc thô qua hệ thống lọc cát rồi mới đưa vào sử dụng. Mỗi ngày vét lại đáy bể 1 lần để làm sạch cặn bẩn. Bên cạnh các cơ sở sản xuất giống thủy sản mặn lợ, các cơ sở sản xuất giống nước ngọt cũng đã đi vào ổn định. Cơ sở hạ tầng của các trại sản xuất giống nước ngọt đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất mới, chất lượng giống đang dần được nâng lên. Cơ sở sản xuất cá giống Đại Hải, đường Kênh (thành phố Nam Định) những ngày này cũng đã tấp nập người tới mua cá giống. Hiện cơ sở có hơn 20 bể ương và hơn 5 mẫu ao sản xuất cá giống các loại. Hệ thống ao ương cá giống của cơ sở có đầy đủ cống cấp và thoát nước để đảm bảo nguồn nước luôn sạch, không bị ô nhiễm. Hàng năm, các ao nuôi đều được bơm cạn, vét bùn đáy, dùng vôi bột để cải tạo, diệt cá tạp và phòng trừ dịch bệnh. Cá giống cơ sở cung cấp cho người nuôi luôn đảm bảo tỷ lệ sống cao, khỏe mạnh, được khách hàng nuôi thủy sản xa gần tìm đến.

Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu lớn là tôm thẻ chân trắng chưa chủ động sản xuất giống tại chỗ... Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong khâu sản xuất giống thủy sản, Sở NN và PTNT và các ngành hữu quan đang tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở giống nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới để sản xuất đáp ứng nhu cầu nuôi thả, đặc biệt là các giống nuôi chủ lực. Sở NN và PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Chi cục Thú y phối hợp cùng các địa phương rà soát nhu cầu giống thủy sản các loại để có kế hoạch sản xuất; kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo con giống từ nguồn cung ngoại tỉnh có chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng; hướng dẫn người nuôi kỹ thuật chăm sóc con nuôi ngay sau khi thả giống, phấn đấu đạt hiệu quả kinh tế cao trong năm 2020.

(Theo báo Nam Định)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục