Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp - Nông thôn Trung Quốc, năm 2018, kim ngạch XNK các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Trung Quốc đạt 216,8 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.
Quốc gia này đang là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và cũng là quốc gia đông nhất thế giới với 1,4 tỷ người. Trung Quốc cũng có khoảng 400 triệu dân có mức thu nhập trung bình cao. Do vậy dự báo đây sẽ là thị trường ngày càng thêm những yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng nhóm hàng nông, lâm thủy hải sản NK.
Với nhu cầu đa dạng nên lượng tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt khi sản xuất trong nước đang vướng phải vấn đề môi trường. Theo dự báo của FAO, Trung Quốc sẽ trở thành nước NK thủy sản lớn nhất thế giới với kim ngạch NK khoảng 2,2 đến 2,5 tỷ USD, tiêu thụ bình quân đầu người cũng gia tăng (từ 33,1kg/người/năm 2010 lên 35,9kg/người/năm 2020), trong đó tiêu thụ thủy sản tươi như cá, tôm, mực và bạch tuộc sẽ tăng bình quân 4,8%/năm
Chủng loại sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện được XK sang Trung Quốc chủ yếu là tôm đông lạnh, cá tra, cá basa, cua, ghẹ… Riêng khu vực Tây Nam Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên) có nhu cầu lớn về cá hố. Về hình thức vận chuyển, Việt Nam XK sang các thị trường khu vực miền đồng bằng (Thượng Hải) bằng đường hàng không; Khu vực Quảng Tây có đường biên giới giáp với Móng Cái (Quảng Ninh) bằng đường bộ. Chúng ta vẫn luôn gặp phải những khó khăn trong khâu vận chuyển và thời gian thông quan nên Việt Nam chưa thể khai thác hiệu quả thị trường này.
Thời gian qua, Báo NNVN đã liên tục thông tin về tình trạng ùn ứ thủy sản tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sau khi hải quan Trung Quốc kiểm soát gắt gao về an toàn thực phẩm đối với thủy hải sản XK. Phía Trung Quốc đã có một số động thái siết chặt thương mại thủy sản tiểu ngạch, thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu chính ngạch. Trong khi đó, nhiều DN nhỏ của Việt Nam vốn quen XK tiểu ngạch và thiếu thông tin về những quy định XK chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống này.
Theo thỏa thuận của cơ quan quản lý hai nước, thủy sản XK từ Việt Nam cần phải đáp ứng điều kiện phía đối tác là Trung Quốc đưa ra. Cần thiết nhất đối với sản phẩm thủy sản là phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép XK do NAFIQAD công nhận, hiện có 137 loài có trong danh mục được phép XK. Có một lưu ý rằng, từng lô hàng thủy sản khi XK phải được kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do NAFIQAD cấp.
Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về thủy sản
Các công việc liên quan đến tiến độ cập nhật đã được NAFIQAD và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cập nhật và thông báo định kỳ cho nhau để xem xét và công nhận danh sách các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản XK. Hải quan Trung Quốc cũng đã cập nhật danh sách lên website của họ để hải quan cửa khẩu Việt Nam căn cứ vào đó cho thông quan. Bên cạnh đó, thủy sản XK sang Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc...
Do vậy, nhiều DN đã không nắm rõ những quy định này nên năm nay không đưa được hàng vào Trung Quốc. Ví dụ, mặt hàng mực khô nhiều địa phương năm nay không xuất được sang Trung Quốc vì không có trong danh mục sản phẩm được XK chính ngạch, kết quả là 6 tháng đầu năm bị giảm 80% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự tôm XK theo hình thức ướp đá đã được thay bằng tôm cấp đông, khiến người chăn nuôi thua lỗ khi đến mùa thu hoạch, DN XK cũng lao đao.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), chúng ta không hề bị động trong cuộc chơi, tuy nhiên lộ trình mà phía Trung Quốc đưa ra gấp gáp tạo nên sức ép cho chính người dân, DN và cơ quan quản lý. Trong thời gian qua, với những yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra, Bộ NN-PTNT cũng đã có những ưu tiên, nhằm giảm sức ép này. Ngay trong thời gian ngắn, hơn 1.400 cơ sở được cấp mã đóng gói bao bì sản phẩm.
Việt Nam là nước có chung biên giới với Trung quốc nên có quan hệ buôn bán từ lâu đời, việc nắm bắt và hiểu đặc tính và nhu cầu của người Trung quốc trở nên dễ dàng hơn. Trước nay chúng ta vẫn thường cho rằng Trung Quốc rất dễ tính nên chưa hề có một sự chuẩn bị nào. Trong 37 cửa khẩu trên cả nước, ở đâu chúng ta cũng bắt gặp trường hợp mặt hàng nông, lâm thủy sản khó thông quan.
“Việc Trung Quốc đưa ra các danh mục về ATVSTP, truy xuất nguồn gốc là hoàn toàn phù hợp với hợp tác quốc tế, tiêu chuẩn này được tất cả các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng .Trở ngại lớn nhất trong việc giao thương với Trung Quốc hiện nay là đàm phán, quá trình này phải được thực hiện rõ ràng về thời gian thu hoạch, giá cả, hình thức rồi số lượng, tránh sản xuất ồ ạt sau đó không có đầu ra”, ông Công cho biết thêm.
Tôm thẻ của Việt Nam chất lương tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngoài ra, theo ông Công, cần thêm nhiều hơn các giải pháp về thủ tục hải quan tại các khu vực cửa khẩu. Cho đến nay chúng ta vẫn còn lấn cấn về quy chế và chính sách, không thông thoáng linh hoạt như phía Trung Quốc. Việc XK cũng phải tính đến tính đa dạng, phân hóa sản phẩm, đa phần thủy sản trong nước XK dưới dạng sản phẩm thô, hoàn toàn tự nhiên.
“Đặc biệt tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, nhất là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, khiến nhiều DN trong nước thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác. Việc ồ ạt thu mua XK tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu XK, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư”, ông Công nói.
(Theo NNVN)