Muốn ra “biển lớn”, doanh nghiệp nông nghiệp phải trầy trật tìm nhân lực chất lượng

Ngành nông nghiệp công nghệ cao gắn với nông thôn, có lao động phổ thông và lao động bậc cao. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lại phải cạnh tranh lớn với khu vực công nghiệp về thu hút lao động ở cả bậc phổ thông và bậc cao.

Doanh nghiệp gặp khó khi mở rộng sản xuất

Dự báo, năm 2020, nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động. Đặc biệt, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực này là vấn đề doanh nghiệp lo lắng.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam thừa nhận, do năng suất thấp, lương không cao nên lao động tại các địa phương đã thoát ly khỏi đồng ruộng. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khi đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp.

Trong khi Việt Nam chưa có những dây truyền tự động hoàn toàn để thay thế con người trong khâu sản xuất, thì lao động là yếu tố quyết định. Nhưng, hiện lao động phổ thông cũng đang là vấn đề lớn và nỗi lo.

Ông Đinh Cao Khuê, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TPXK Đồng Giao cho biết, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến tại tỉnh Gia Lai, nhà máy được đầu tư hiện đại, bao gồm nhà xưởng, kho bãi… nhằm sản xuất tập trung sản phẩm khép kín. Để vận hành nhà máy trên, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, tay nghề cao, có tinh thần cầu tiến, đam mê để tiếp cận công nghệ sản xuất. Mặc dù công ty đã đưa ra mức đãi ngộ rất cao nhưng việc tìm kỹ sư có trình độ vẫn khó khăn vô cùng.

Cùng với đó, vị Tổng giám đốc Công ty Đồng Giao cho biết, ngay cả với những nhân lực đã được tuyển cũng còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn thực tế cũng như am hiểu các quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP, là doanh nghiệp đầu tư 25 năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm CP tuyển dụng khoảng 1.000 lao động. “CP cũng như hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Ngoài kiến thức, phần lớn nhân lực chưa đáp ứng được các kỹ năng mềm”, ông Tuấn cho biết.

Cũng trăn trở về nguồn nhân lực, đại diện Công ty CP đồ gỗ nội thất Woodland băn khoăn: “Theo kế hoạch đến năm 2025, công ty chúng tôi cần khoảng 300 kỹ sư chế biến lâm sản có trình độ đại học và 2.000 công nhân, trong đó, yêu cầu số lượng kỹ sư cần từ 7-10%/ tổng số lao động, tuy nhiên tuyển dụng được số lượng kỹ sư chế biến lâm sản như vậy là vô cùng khó khăn”.

Vẫn loay hoay tìm lời giải

Trên thực tế, Việt Nam hiện có 54 cơ sở đào tạo có liên quan các ngành nông nghiệp, tốt nghiệp hàng vạn cử nhân. Nhưng so với cầu về số lượng qua đào tạo thì nguồn cung này chưa đáp ứng được, đặc biệt là chất lượng chưa đảm bảo. Nghịch lý là dù chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng vẫn có đến 25% số cử nhân được đào tạo lĩnh vực nông nghiệp thất nghiệp phải chuyển nghề.

Thậm chí, theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020 thì dự báo vẫn cho thấy, đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Đặc biệt, thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao là vấn đề doanh nghiệp đặc biệt lo lắng. Thống kê cho thấy có tới 46% nhân lực ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. 

Trước vấn đề nội cộm liên quan đến tương lai của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra giải pháp, để thực hiện gắn kết cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông - lâm - ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới. Tìm ra mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Đặc biệt đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với các nông trại, trang trại tạo chuỗi liên thông từ sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu thụ.

(Theo Petro Times)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục