'Mỏ vàng' từ phụ phẩm thủy sản

Hàng năm Việt Nam có hơn 1.000.000 tấn phụ phẩm thủy sản. Theo ước tính, nếu đầu tư công nghệ hợp lý và thương mại hóa thành công phụ phẩm này, có thể có hàng tỷ USD giá trị tăng thêm.

Có vàng lại đổ vàng đi!

Ông Phan Thanh Lộc - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food cho hay ngành tôm là một ngành trọng điểm của nền nông nghiệp Việt Nam và đang có những bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đạt 10 tỷ USD trước năm 2025 (tăng gấp 3 lần) đề ra là một thách thức lớn, đặc biệt phụ phẩm tôm hiện đang là phân khúc yếu nhất.

Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2025 ước tính cả nước sẽ có sẽ có hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm. Tùy thuộc vào loại tôm và yêu cầu chế biến, tỷ lệ phụ phẩm tôm chiếm trung bình 35%-45% trọng lượng đầu vào. Hiện nay, chỉ có khoảng dưới 10% phụ phẩm tôm được xử lý tạo sản phẩm giá trị gia tăng và phần lớn là xả bỏ hoặc xử lý thiếu định hướng.

Phân khúc phụ phẩm là một ngành mới phát triển hoàn toàn tự phát chủ yếu do các hộ gia đình quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm đầu ra có giá trị thấp. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa nhiều dưỡng chất như đạm, khoáng, chitin, béo… có thể tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao như acid amin, peptites, chitosan… ứng  dụng  trong  rất  nhiều  ngành  công  nghiệp. Nếu  đầu  tư công nghệ hợp lý, các sản phẩm đầu ra có giá trị tăng vọt.

Công ty Việt Nam Food (VNF) là một trong số những công ty trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến phụ phẩm từ tôm. Cụ thể: Công ty đã xử lý đầu nguồn từ khâu bảo quản; thay  đổi  nhận  thức  không  xem “đầu  vỏ  tôm  là  “rác  thải” hay “phụ phẩm” mà là “sản phẩm đồng hành”; làm việc với đối tác chế biến giúp thu hồi phụ phẩm tươi và vệ sinh hơn; tiếp cận và phát triển giải pháp tổng thể…. Từ đó, đầu ra phụ phẩm từ tôm đa phục vụ 4 ngành chính gồm: Dược phẩm/thực phẩm chức năng: chitin, chitosan…; thực phẩm: muối tôm, bột tôm gia vị, sa tế tôm, nguyên liệu nước mắm…; thức ăn chăn nuôi: chất dẫn dụ và kháng bệnh, bột tôm thay thế bột cá nhập…; nguyên liệu cho ngành phân bón. Vị đại diện Công ty cổ phần VietNamFood từng đánh giá, sẽ là hành động “ném tiền qua cửa sổ” nếu không khai thác phụ phẩm.

Không chỉ trong ngành tôm, cá tra cũng tương tự. Vĩnh Hoàn là một DN chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2015, công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Đại diện Công ty Vĩnh Hoàn Collagen việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15 -25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra.

Hiện, mỗi năm, ngành tôm mang về 3 tỷ USD, tuy nhiên phụ phẩm tôm vẫn bị bỏ ngỏ. Theo ước tính với hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm mỗi năm và trình độ công nghệ tiên tiến, thế giới có thể tạo ra gần 2 tỷ USD so với khả năng chúng ta chỉ tạo ra khoảng gần 300 triệu USD. Nguyên nhân chính là khoảng cách về công nghệ, máy móc thiết bị, phát triển ứng dụng cũng như chiến lược thương mại hóa chưa được định hướng đồng bộ.

Ông Phan Thanh Lộc nhận định, khác với nhiều ngành công nghiệp khác, phụ phẩm nếu không xử lý thì giá trị sẽ mất ngay chưa kể lại trở thành hiểm họa môi trường. Nếu chúng ta có các định hướng để công nghiệp hóa/thương mại hóa thì khoảng cách 1,7 tỷ USD sẽ chắc chắn giảm dần theo thời gian đồng thời góp phần bảo vệ môi trường giúp chuyển dịch nền kinh tế sang chế biến sâu và đào tạo nguồn nhân lực cao cấp.

Ngoài ra, theo ước tính hàng năm Việt Nam có hơn 1.000.000 tấn phụ phẩm thủy sản và hơn 10.000.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp. Nếu áp dụng mô hình tương tự, tập trung đầu tư để sản xuất lớn và thương mại hóa thành công, giả định chúng ta có thể tạo thêm 1 USD giá trị từ 1kg phụ phẩm thủy sản, sẽ có 1 tỷ USD giá trị tăng thêm. Tương tự nếu có thể tạo thêm 0,5 USD từ 1 kg phụ phẩm nông nghiệp, thì sẽ có 5 tỷ USD tăng thêm.

Xác định phát triển phụ phẩm như là một ngành mũi nhọn

Phụ phẩm là ngành có tiềm năng vô cùng lớn. Nếu phát triển thành công, phụ phẩm sẽ là một ngành công nghiệp mới có đóng góp tích cực vào cơ cấu toàn chuỗi giá trị và thúc đẩy nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra liệu chúng ta có sẵn sàng để sử dụng và phát huy các nguồn lực này? Xét về các nguồn lực tự nhiên, Việt Nam hoàn toàn đáp ứng về độ lớn thị trường nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, tính sẵn sàng của các DN tiên phong, và sự định hướng hỗ trợ của Chính phủ. Vấn đề còn lại nằm ở việc tập trung phát triển khoa học công nghệ, đầu tư nghiêm túc về nhà máy sản xuất với quy mô công nghiệp, và có chiến lược thương mại hóa thành công để thật sự chuyển hóa ngành này thành một ngành công nghiệp giá trị cao.

“Cần liên kết toàn chuỗi giá trị để bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững. Cạnh đó, cần xác định phát triển phụ phẩm như là một ngành mũi nhọn mới với nhiều giá trị tạo ra…”, ông Phan Thanh Lộc kiến nghị.

Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Các nhà máy chế biến của Việt Nam đều đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận. Tuy nhiên, mục tiêu là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt là phải chế biến hết không để nguyên liệu dư thừa.

Trong thời gian tới, ngành thủy sản cần thiết phải đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu sẵn có, biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng có thể phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế. “Da cá tra là nguồn nguyên liệu để thu collagen, phục vụ cho khách hàng cao cấp. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy có những phần trong cá tra như bột xương, bột canxi nano hay rất nhiều những sản phẩm từ dầu cá có thể chuyển thành các sản phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các DN tiếp tục nghiên cứu để có những sản phẩm như vậy”, ông Trần Đình Luân nói.

(Theo TGTT)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục