Ấp 4 (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) có 14 hộ nông dân nuôi cá lóc, tính luôn 1 hộ ở ấp Trường Hội thì xã có 15 hộ gia đình gắn với loài thủy sản này. Trừ đợt giá bán cá lóc xuống thấp hồi năm 2014, thì trong các năm qua, giá bán cá lóc khá cao, đã đem lại lợi nhuận khá.
Tháng 4/2014, Vũng Liêm được Bộ Khoa học- Công nghệ đầu tư dự án cá lóc sinh sản, ương, nuôi trong bể lót bạt do Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm làm chủ đầu tư, Khoa Thủy sản Trường ĐH Cần Thơ là cơ quan chuyển giao kỹ thuật.
Dự án có kinh phí đầu tư 2,5 tỷ đồng (trong đó người dân đối ứng 957 triệu đồng), quy mô 54 hộ nông dân nuôi (6 hộ cho cá lóc sinh sản, 6 hộ ương cá giống, 42 hộ nuôi thương phẩm), thời gian thực hiện dự án 24 tháng trên địa bàn 7 xã của huyện Vũng Liêm.
Nông dân được chọn tham gia dự án phải có đủ điều kiện về vốn, lao động, nguồn nước sạch, khả năng tiếp cận những kỹ thuật nuôi mới con cá lóc, được tập huấn và theo dõi từ ngành chuyên môn...
Dự án nhằm góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đa dạng hóa thủy sản nuôi ở địa phương.
Mặc dù nuôi cá lóc trong bể lót bạt đã thực hiện ở nhiều địa phương nhưng cái mới trong thực hiện mô hình này là đã tạo được một chuỗi sản xuất tương đối khép kín từ khâu cho cá lóc sinh sản, lấy cá hương ương lên thành cá giống, cá giống được chuyển giao trực tiếp cho các hộ nuôi.
Điểm nổi bật nữa là cá giống được sản xuất, ương nuôi ở cùng một địa phương nên cá phát triển nhanh giảm được lượng hao hụt ban đầu do vận chuyển. Nguồn thức ăn tận dụng từ tự nhiên như: ốc, cá tạp kết hợp với thức ăn công nghiệp nên cá lớn nhanh.
Qua 2 năm triển khai dự án, đã có các điểm mới được ghi nhận. Đó là về giống: cá lóc đầu nhím có thân hình giống như cá lóc đồng ở địa phương, được ương, nuôi trong môi trường nước sạch, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh nên chất lượng thịt thơm ngon, hàm lượng mỡ trong thịt cá rất thấp được người tiêu dùng chấp nhận.
Bước đầu đã cơ bản hình thành được chuỗi sản xuất tương đối khép kín từ hộ cho cá lóc sinh sản- chuyển cho hộ ương lên thành cá giống- cung cấp cho hộ nuôi cá thương phẩm.
Năm 2016, mặc dù dự án kết thúc nhưng huyện Vũng Liêm vẫn tập trung hỗ trợ tiếp cho các hộ nuôi cá lóc thương phẩm bằng nguồn kinh phí của huyện để giữ vững chuỗi khép kín nói trên. Qua đó để kinh tế sản xuất của người nông dân lợi nhuận hơn và đóng góp vào cơ cấu lại nông nghiệp của huyện.
Hưởng ứng hiệu quả dự án, tự lực và mày mò học hỏi, đến nay hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp đã có hàng ngàn mét vuông mặt nước ương cá lóc con và vừa nuôi thương phẩm.
Quá trình đó, có thể nói anh Điệp đã tạo được chuỗi nuôi trồng khép kín của mình. Hiện anh Điệp “kiêm” luôn cá giống và đầu mối cung cấp thức ăn cá cho các hộ nuôi khác trong ấp. Đến nay, nhiều nhà có ao nuôi 100.000- 110.000 con cá lóc như anh Điệp, có thể kể như anh Động, anh Nam, anh Thép.
Anh Nguyễn Văn Điệp nói: “Chúng tôi xác định chia sẻ tất cả cho anh em khi tham gia nuôi con cá lóc này. Bởi, chỉ có liên kết vậy mới vững hơn kiến thức, vốn liếng, thức ăn, rồi đầu ra thị trường... cốt yếu để nông dân mình có thu nhập tốt khi làm ăn”.
Theo các nông dân nuôi cá, mỗi vụ nuôi 6-7 tháng là xuất bán. Mức đầu tư để đạt mỗi ký cá lóc khoảng 23.000- 26.000đ và còn tùy người nuôi khéo. Giá bán cá lóc thương phẩm hiện tại 33.000 đ/kg. Tính ra sẽ thấy lợi nhuận của người nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Nhu- chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, nếu người dân nuôi xen bể bạt và ao đất, mỗi năm được 2 vụ, còn nếu chỉ nuôi ao đất, mỗi năm một vụ rưỡi.
Hiện tại, anh Nguyễn Văn Điệp nuôi luân phiên như một dây chuyền: tức vừa xuất lứa cá lóc tháng trước đó, thì một tháng sau đó có thể xoay vòng thả cá con xuống ao tiếp.
Ông Phạm Văn Trai- công chức nông nghiệp địa chính xây dựng môi trường thuộc UBND xã Trung Nghĩa- cho biết, khoảng cách từ gần tới xa nhất của các hộ nuôi cá lóc ở Ấp 4 tới sông lớn từ 50-300m. Một mặt bà con đã chủ động nguồn nước vào ao nuôi cũng như khơi thông kinh mương để “xử lý” nước, đảm bảo môi trường.
Chia sẻ thêm về mô hình, cán bộ chức năng huyện và xã cho hay về lâu dài vẫn cần phải đầu tư về điện, nước để hoạt động nuôi trồng chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó là đầu ra, bởi cá lóc cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp nói chung là phụ thuộc vào thị trường. Đã có bước đi căn cơ với mô hình ương, cung cấp con giống và nuôi thương phẩm cá lóc nói trên; song điều cần là các yếu tố đầu tư kịp thời để người dân làm kinh tế nông nghiệp thu nhập cao hơn và đóng góp vào cơ cấu lại nông nghiệp thêm hiệu quả hơn.
(Theo báo Vĩnh Long)