TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ chia sẻ: “NNCNC không cứ phải có nhà màng, nhà lồng, nhà kính mới làm được, đầu tư như thế thì cũng tốt thôi, nhưng đó là chuyện của doanh nghiệp.
Với nông dân thì không phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ SX. Nếu quan niệm NNCNC như vậy thì chẳng nông dân nào với tới được".
Chọn hướng đi tất yếu
Theo ông Cường, thực chất làm NNCNC là trong quá trình phát triển của cây trồng, vật nuôi, nông dân chọn giai đoạn để áp dụng các tiến bộ KHKT phù hợp với túi tiền của mình, phù hợp với điều kiện tại địa phương để làm tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm cũng là đang làm NNCNC.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay, chắc hẳn sự “đỏng đảnh” của thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, dẫn đến mất mùa, sản phẩm kém chất lượng. SX theo hướng CNC là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp để đối phó với thực tế trên. Tuy nhiên, nông dân phải biết cách tiếp cận với NNCNC khác với doanh nghiệp.
Trong chu kỳ phát triển của cây trồng, vật nuôi, người nông dân cần chọn ra những giai đoạn mấu chốt, sau đó lựa chọn công nghệ đúng nghĩa CNC áp dụng vào SX để nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm là đã thành công.
“Bước đầu chỉ cần làm như vậy, sau đó dựa vào vốn liếng tích góp được, dựa vào kinh nghiệm tích lũy được qua quá trình SX, tiếp tục đầu tư vào công đoạn tiếp theo và cuối cùng là cho ra sản phẩm NNCNC thực thụ. Phải hướng nông dân tiếp cận với NNCNC theo hướng đó thì mới mong đạt hiệu quả”, TS Cường chia sẻ.
Theo đánh giá của TS Cường, khu vực Nam Trung bộ hiện có những sản phẩm đặc thù có thể phát triển thành vùng NNCNC mà các vùng khác không có. Ví như ở Ninh Thuận có cây nho cây táo, ở Khánh Hòa và Bình Định có cây xoài, ở Quảng Nam có bưởi trụ... Nếu các địa phương tập trung xoáy vào các sản phẩm mang tính đặc thù ấy, tập trung mọi nguồn lực đầu tư các tiến bộ KHKT vào đó, khi hiệu quả cho thấy nhãn tiền là ắt nông dân sẽ làm theo.
Doanh nghiệp - nông dân cùng làm
Cùng có cái nhìn về NNCNC tương tự TS Hồ Huy Cường, ngành nông nghiệp Bình Định xác định hướng phát triển NNCNC trên nền tảng những sản phẩm hiện có. Từ đó, Bình Định xây dựng các chuỗi SX, ứng dụng tiến bộ KHKT để làm thay đổi phương thức canh tác truyền thống, cũ kỹ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với đầu ra.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, nêu một số minh họa về nông dân làm NNCNC ở tỉnh này. Trong chăn nuôi, sau 3 năm, tỉnh Bình Định đã lai tạo được hơn 30.000 con bò BBB và bò Red Angus, phát triển mạnh đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ. Từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, ngành nông nghiệp Bình Định đã quan tâm đầu tư việc nâng cao chất lượng đàn bò thịt.
Vào thời điểm ấy, đích thân ông Hổ sang New Zealand “ăn dầm nằm dề” mấy tháng trời để tham khảo, học tập cách lai tạo đàn bò. “Mục sở thị" cách làm của người dân của đất nước có nền chăn nuôi tiên tiến, ông Hổ khẳng định nông dân mình sẽ lai tạo được giống bò “khổng lồ” BBB để phát triển đàn bò chất lượng cao trong nông hộ, nâng cao hiệu quả SX cho nông dân.
Theo ông Hổ, nhóm bò thịt chất lượng cao BBB và Red Angus là những giống bò “khổng lồ”, có khối lượng rất lớn. Bò cái trưởng thành có thể đạt từ 600 - 800kg, bò đực đạt từ 1 - 1,2 tấn/con. “Nông dân tự nâng cao được sản lượng và chất lượng đàn bò trong nông hộ, người chăn nuôi có lãi nhiều hơn, ấy là nông dân đang làm NNCNC mà không phải đầu tư gì nhiều”, ông Hổ chia sẻ.
Ngư dân Bình Định sử dụng thiết bị câu cá ngừ đại dương hiện đại do Nhật Bản chuyển giao
Theo đánh giá của TS Hồ Huy Cường, trong những năm qua Bình Định đã phát triển NNCNC song song cả 2 hướng, 1 hướng đầu tư bài bản bằng những công nghệ hiện đại của các doanh nghiệp và 1 hướng dựa trên nền tảng những sản phẩm hiện có dành cho nông dân.
|
Về khai thác thủy sản thì những năm qua ngư dân Bình Định đã sử dụng thiết bị, áp dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản sản phẩm do Nhật Bản chuyển giao trong đánh bắt cá ngừ đại dương (CNĐD), nâng cao được chất lượng sản phẩm, nhờ đó CNĐD của Bình Định đã bắt đầu tiếp cận được với thị trường khó tính Nhật Bản.
Trong trồng trọt thì trong những năm qua Bình Định đã liên kết với các doanh nghiệp SX lúa giống trên toàn quốc, xây dựng được hàng trăm cánh đồng mẫu lớn SX lúa và cây trồng cạn với hơn 42.000 hộ nông dân tham gia. Nông dân tham gia SX những CĐML áp dụng những phương pháp canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất cây lúa lên đến kịch trần, đầu ra của sản phẩm thì không phải lo bởi đã được các doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ.
“Đó chính là nông dân đang làm NNCNC. Hoặc như ở xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), người trồng mía đã thay đổi cách làm đất để tăng năng suất cây mía. Hiện họ đã dùng máy cày công suất lớn, 3 - 4 chảo để cày đất lượt 1, sang lượt 2 họ dùng máy cày 7 chảo, đường cày có độ sâu đến 40cm, sau đó các công đoạn bừa, trồng bón phân cũng đều bằng cơ giới. Với phương thức này cây mía cho năng suất đến 100 - 120 tấn mía cây/ha, trong khi trước đó cây mía ở đây năng suất chỉ đạt 60 tấn/ha”, ông Hổ minh họa.
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bình Định đã hình thành được khu phức hợp SX tôm thương phẩm chất lượng cao do Tập đoàn Việt - Úc đầu tư tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ). Tất cả các ao nuôi tôm trong khu phức hợp tại Mỹ Thành đều được áp dụng quy trình SX nhà màng của Israel, đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, cơ giới hóa mức cao nhất. Quy trình công nghệ đáp ứng các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về “tiểu khí hậu nhà kính”, “sinh học nhà kính” và “dịch hại nhà kính”, nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Tập đoàn cũng đã đầu tư xây hệ thống xử lý nước tuần hoàn theo công nghệ của Đức và Mỹ, kiểm soát tự động tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi, bảo đảm chất lượng nước ổn định cho tôm sinh trưởng, không gây ô nhiễm môi trường. Nguồn tôm giống thả nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.
“Với công nghệ hiện đại, chúng tôi có thể thả tôm giống mật độ dày từ 200 - 500 con/m2 mặt nước và nuôi 3 vụ/năm. Riêng lứa nuôi đầu tiên đã đạt cho năng suất bình quân 30 - 40 tấn/ha, cao gấp 10 lần năng suất tôm thẻ chân trắng mà nông dân nuôi thâm canh. Sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Thảo, Trưởng phòng quản lý Cty TNHH Việt - Úc Phù Mỹ cho hay.
"Định hướng của Bình Định là phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó chú trọng đến việc quy hoạch các vùng nuôi tôm ứng dụng CNC; thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và công nghệ vào đầu tư. Với khu phức hợp SX tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt Úc, Bình Định kỳ vọng sẽ kích hoạt lĩnh vực nuôi tôm phát triển bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh". -Ông Phan Trọng Hổ.
|
(Theo NNVN)