Năm 2019, hoạt động nuôi trồng thủy sản được dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường. Trong khi đó, môi trường tại các vùng nuôi đã có dấu hiệu ô nhiễm… Để nâng cao hiệu quả các vụ nuôi, việc quản lý sản xuất, cung ứng con giống đang được ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa chú trọng.
Chất lượng con giống, môi trường ao nuôi chưa đảm bảo
Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, vụ nuôi năm 2018, trên địa bàn thị xã có gần 50ha nuôi tôm sú và hơn 290ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng con giống chưa đảm bảo. Có một thực tế diễn ra lâu nay là con giống đã qua kiểm dịch và chưa qua kiểm dịch có giá chênh lệch tương đối lớn, vì vậy, nhiều hộ vốn ít, chấp nhận mua giống trôi nổi với giá rẻ để thả nuôi. Điều này dễ dẫn đến tình trạng dịch bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi. Năm 2019, thị xã Ninh Hòa sẽ tiếp tục duy trì 1.950ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là tôm nước lợ và ốc hương. Địa phương đã khuyến cáo người dân tìm mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín, đã qua kiểm dịch, không nên mua giống trôi nổi.
Năm nay, tại Vạn Ninh có 850ha ao đìa được người dân tập trung nuôi ốc hương và các loại tôm nước lợ. Đây cũng là địa phương phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển với khoảng 11.000 ô lồng nuôi tôm hùm và cá biển các loại. Hiện nay, nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh đối diện với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nuôi, dịch bệnh… Chất lượng con giống cũng là nỗi lo thường trực của người nuôi, bởi lâu nay, người nuôi vẫn mua con giống theo kinh nghiệm, thấy cơ sở nào vụ trước ương giống tốt, nuôi đạt thì vụ sau tiếp tục mua, còn nếu gặp sự cố thì tìm mua ở cơ sở khác.
Tăng cường kiểm tra chất lượng
Năm 2019, toàn tỉnh có 427 cơ sở sản xuất giống thủy sản, dự kiến tổng sản lượng sản xuất giống phục vụ nhu cầu của người nuôi trong và ngoài tỉnh lên đến khoảng 9,5 triệu con. Trong đó, có 75 sơ sở sản xuất tôm giống, 330 cơ sở sản xuất giống các loại nhuyễn thể, 20 cơ sở sản xuất giống cá biển và 2 cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt. Ngoài năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn, để đáp ứng nhu cầu nuôi thương phẩm, dự kiến trong năm nay, toàn tỉnh sẽ nhập khẩu khoảng 7,3 triệu con cá giống, hơn 30 triệu con tôm hùm giống.
Theo kế hoạch của Chi cục Thủy sản, dự kiến năm 2019, toàn tỉnh sẽ thả nuôi 443ha tôm sú, 1.640ha tôm thẻ chân trắng, 664ha nhuyễn thể các loại, 665ha cua, 250ha cá biển đối với nuôi ao đìa nước lợ. Đối với nuôi lồng bè trên biển, toàn tỉnh có 59.339 ô lồng nuôi thủy sản các loại, hầu hết là tôm hùm và một số loại cá biển như: cá bớp, cá mú. Dự kiến nhu cầu giống sẽ rất lớn, lên đến hàng chục triệu con. Do đó, việc quản lý tốt con giống từ khâu sản xuất, kiểm dịch đến cung ứng sẽ có tác động rất lớn đến hiệu quả vụ nuôi.
Để tăng cường hiệu quả trong quản lý sản xuất, cung ứng giống thủy sản, thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiến hành quy hoạch lại các trại sản xuất giống trên địa bàn tỉnh để có thể chủ động trong việc cung cấp lượng con giống có chất lượng tốt cho người nuôi thương phẩm trong tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng tôm giống xuất tỉnh và nhập tỉnh cũng như các đối tượng giống thủy sản khác; giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017 và theo văn bản ủy quyền kiểm tra chất lượng tôm chân trắng bố mẹ nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản. Chi cục sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không cho phép các trại không đảm bảo điều kiện sản xuất giống tham gia sản xuất; tận dụng nguồn kinh phí từ các chương trình để triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn; giám sát các vùng sản xuất giống trong tỉnh, đồng thời lấy mẫu kiểm tra các loại bệnh nguy hiểm trên tôm để đưa ra các khuyến cáo và biện pháp xử lý theo quy định. Ngành Thủy sản còn phối hợp với các tỉnh trong công tác quản lý nguồn tôm giống nhập vào tỉnh Khánh Hòa nhằm tuân thủ tốt lịch thời vụ; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý các cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để đảm bảo chất lượng tôm giống - đối tượng nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh, dự án Vùng sản xuất và kiểm định tôm giống tập trung Ninh Vân có quy mô 110ha đã được đầu tư. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 60ha đã hoàn thành, với 29ha dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng và 31ha dùng cho xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống. Đã có nhiều doanh nghiệp hàng đầu cả nước về sản xuất tôm giống đăng ký để đầu tư sản xuất giống tại đây với quy mô 500 triệu con giống/ha/năm. Khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động, chất lượng con giống đến tay người nuôi sẽ được đảm bảo hoàn toàn”.
(Theo báo Khánh Hòa)