Khánh Hòa là trung tâm chế biến hải sản XK của miền Trung, với 44 DN tham gia XK thủy sản được Bộ NN-PTNT cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Trong năm 2018, ngành thủy sản Khánh Hòa phấn đấu kim ngạch XK thủy sản đạt triệu 575 USD, tăng 5% so với năm 2017.
Kim ngạch XK hơn 469 triệu USD
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 44 DN tham gia XK thủy sản, trong đó các DN xuất khẩu cá ngừ hàng đầu như: Cty TNHH Hải Vương, Thịnh Hưng, Hoàng Hải, Tín Thịnh, Đồ hộp Khánh Hòa… tập trung chủ yếu tại KCN Cam Lâm (Cam Lâm).
Hiện nay các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa đã có mặt trên thị trường 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ông Nguyễn Thái Hiểu, PGĐ Cty TNHH Thịnh Hưng - một đơn vị chuyên chế biến XK cá ngừ đại dương cho biết, đối với Cty hiện nay XK cá ngừ fillet sang thị trường Mỹ chiếm 40%, Canada 30%, Châu Âu 20% và thị trường Châu Á 10%, với kim ngạch XK hàng năm hàng chục triệu USD.
Có thể nói kim ngạch XK thủy sản Khánh Hòa những năm qua luôn có sự tăng trưởng, đóng góp cao vào giá trị XK của ngành nông nghiệp.
Cụ thể, trong năm 2017 mặc dù xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn bởi những rào cản kỹ thuật như quyết định rút “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) hay các rào cản thương mại của các thị trường NK cũng như phải cạnh tranh với các sản phẩm từ các nước khác, nhưng XK thủy sản của Khánh Hoà vẫn đạt gần 550 triệu USD.
Còn 10 tháng đầu năm 2018, theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, kim ngạch XK hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.101,54 triệu USD, tăng 11,06%, trong đó mặt hàng thủy sản đạt 469,13 triệu USD, tăng 11,03% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Chánh, sở dĩ đạt được kết quả trên thời gian qua ngành thủy sản Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể như thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách trong lĩnh vực thủy sản đến các ngư dân, hộ nuôi và DN thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù để thúc đẩy phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn giản hóa và giải quyết nhanh chóng kịp thời các thủ tục hành chính. Tổ chức đối thoại tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và kịp thời giải quyết các đề xuất kiến nghị phù hợp. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng cá để thu hút nguồn nguyên liệu từ tàu cá các tỉnh khác. Tổ chức sản xuất khai thác theo tổ đội và liên kết thu mua chế biến theo chuỗi để nâng cao hiệu quả, đảm bảo đời sống ngư dân giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đồng thời đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản để đáp ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Hỗ trợ, khuyến khích ngư dân áp dụng kỹ thật, khoa học công nghệ vào khai thác và bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác...
Đến 2025 kim ngạch NK đạt 725 triệu USD
Ông Chánh cho biết, để phát triển thủy sản bền vững hiện tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 trong đó đưa ra nhiều giải pháp về khai thác, nuôi trồng, chế biến và XK thủy sản, để tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư vào phát triển sản xuất.
Theo đó, theo quy hoạch này, đối với lĩnh vực chế biến thủy sản XK, mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 725 triệu USD, tăng trưởng 5 - 6%/năm; sản lượng chế biến xuất khẩu đạt 121.000 tấn, tăng bình quân 3,9%/năm.
Các DN thủy sản ở Khánh Hòa đang tập trung chế biến XK
Tuy nhiên để đạt mục tiêu đã đề ra ngành thủy sản sẽ thực hiện đồng bộ các nội dung, trong đó lĩnh vực khai thác thủy sản giảm dần khối tàu cá nhỏ khai thác ven bờ, tập trung phát triển đội tàu khai thác xa bờ đủ năng lực tiến tới khai thác viễn dương. Tổ chức khai thác theo tổ đội và liên kết theo chuỗi trong khai thác - thu mua - chế biến. Đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá bao gồm các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão… Đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Nam Trung bộ tại Đá Bạc (TP Cam Ranh).
Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tổ chức thực hiện sắp xếp hoạt động NTTS trên biển theo đúng vùng đã được quy hoạch. Khuyến khích phát triển NTTS lồng bè bằng vật liệu tiên tiến (HDPE) chịu được sóng gió, trên các vùng biển hở, áp dụng quy trình công nghệ hiện đại. Đầu tư cơ sở hạ tầng (thả phao cắm mốc phân luồng) tại các vùng nuôi biển đã được quy hoạch, đảm bảo môi trường NTTS bền vững, tránh ô nhiễm. Đối với nuôi nước lợ cần áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao tại các vùng quy hoạch tập trung. Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung tại Ninh Lộc (TX Ninh Hòa).
Đối với sản xuất giống cần có chính sách xúc tiến kêu gọi các đơn vị sản xuất giống vào khai thác hiệu quả vùng sản xuất giống chất lượng cao Ninh Vân. Đảm bảo cung cấp giống thủy sản chất lượng cao trên địa bàn tỉnh và các tỉnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các loại giống cá biển có giá trị.
Đối với lĩnh vực chế biến xuất khẩu xác định thị trường trọng tâm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, với tỷ trọng chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn phát triển các thị trường tiềm năng như: Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước khu vực Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, Châu Phi… Nhóm sản phẩm chế biến phục vụ XK chủ yếu là tôm, cá đông lạnh, chiếm khoảng 80% sản lượng thủy sản XK...
Ông Nguyễn Thái Hiểu, PGĐ Cty TNHH Thịnh Hưng, cho biết: Năm nay tình hình XK thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thị trường EU vì thủy sản Việt Nam đang bị thẻ vàng. Tuy nhiên đến nay kim ngạch XK của Cty đã đạt 60% kế hoạch đề ra. Mặc dù hiện nay chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm, trong khi đó nguồn nguyên liệu đầu vào đang khan hiếm và tăng lên. Song Cty vẫn đang nổ lực hết sức tìm thêm đầu mối cung cấp nguyên liệu ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và từ các đối tác nước ngoài nhằm đẩy mạnh sản xuất để đạt kế hoạch đề ra.
|
(Theo NNVN)