Dù đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu cao trong năm 2018, nhưng mục tiêu kế hoạch cho năm 2019 của một số “ông lớn” xuất khẩu lại khá thận trọng.
Dệt may thận trọng
2018 là một năm biến động đối với dệt may toàn cầu, nhưng lại là năm thành công của dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 36,2 tỷ USD (tăng 16,4% so với năm 2017), đưa Việt Nam vào top 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đóng góp giá trị xuất khẩu 3,05 tỷ USD.
Nhưng, mức tăng trưởng khả quan đó không có nghĩa, ngành dệt may có thể duy trì tốt nhịp độ trong năm 2019, khi ảnh hưởng từ những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu tác động khiến kinh doanh xuất khẩu sợi đi xuống.
Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Vinatex cho hay, đơn hàng xuất khẩu sợi tại thời điểm này đã khó hơn, giá cũng xuống mạnh, do Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính của sợi - phá giá đồng nhân dân tệ và ép giá sợi Việt Nam.
“Vinatex kỳ vọng, hết quý II/2019, thị trường sẽ ấm dần, còn hiện tại là thời điểm phải cầm cự”, ông Hiếu nói.
Ở tầm vĩ mô, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo, câu chuyện của ngành dệt may trong năm 2019 sẽ không sáng về cầu. Vì các dự báo cho thấy, kinh tế Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều tăng trưởng thấp hơn so với năm 2018. Dù không tăng lãi suất nhiều, nhưng FED dự báo, năm 2019, lãi suất sẽ tăng 2 lần. Bên cạnh đó, xu thế thắt chặt dòng tiền tại các quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp diễn.
Liên quan đến căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, đến thời điểm này, tuy chưa có mặt hàng dệt may nào của Việt Nam bị đánh thuế, nhưng dự báo tình hình còn nhiều phức tạp và có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dệt may. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hơn 53% vải thế giới, nếu nước này tăng thuế mặt hàng vải, thì chắc chắn, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, bởi chúng ta đang phải nhập 45% vải từ Trung Quốc.
Thủy sản, rau quả kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Sau khi mang về 9 tỷ USD trong năm 2018, ngành thủy sản đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu 2 chữ số.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, cơ hội mở ra cho ngành thủy sản rất lớn, khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh mẽ.
Dự kiến, đến năm 2020, sức tiêu thụ thủy sản đạt khoảng 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển, trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Đây là cơ hội lớn cho ngành thủy sản của Việt Nam, nếu đáp ứng được các tiêu chí chất lượng của thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, năm 2019, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều so với mức thuế hiện tại.
Đến thời điểm này, tuy chưa có mặt hàng dệt may nào của Việt Nam bị đánh thuế, nhưng dự báo tình hình còn nhiều phức tạp và có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dệt may
|
“VASEP dự báo, năm 2019, ngành thủy sản sẽ xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD, tăng trưởng 10 - 15% so với năm 2018”, ông Hòe cho biết.
Cùng với thủy sản, ngành rau quả cũng có một năm xuất khẩu ấn tượng với kim ngạch gần 3,9 tỷ USD trong năm 2018. Năm 2019 đang mở ra với sự hứng khởi của doanh nghiệp, với những kế hoạch đầu tư sản xuất bài bản để chinh phục các thị trường xuất khẩu.
Ông Phan Thành Lập, Giám đốc Công ty CP Delikost Agri Cái Bè (Tiền Giang) cho hay, dù đã đưa được trái cây xuất khẩu chính ngạch, nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng chất cho sản phẩm thương hiệu Việt.
Về tổng thể, quy mô xuất khẩu của ngành rau quả năm 2019 sẽ tăng mạnh, với động lực là loạt nhà máy chế biến quy mô lớn hoàn thành đầu tư. Ngày 6/1 vừa qua, Công ty CP Lavifood đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Chế biến rau củ quả Tanifood tại Gò Dầu (Tây Ninh).
Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Lavifood, với diện tích gần 15 ha, tổng số vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng, công suất 60.000 tấn thành phẩm mỗi năm, Tanifood là một trong 5 nhà máy hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tanifood cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành.
Với sự ra đời của Tanifood, lần đầu tiên, Việt Nam có một nhà máy chế biến rau quả đạt quy mô lớn và áp dụng công nghệ hiện đại. Đây là một cú hích quan trọng cho chế biến rau quả xuất khẩu, để sớm chạm đích 5 tỷ USD.
Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD năm 2019
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội 0044ệt may Việt Nam (VITAS), nếu kịch bản tốt xảy ra, 6 tháng cuối năm 2019, dệt may Việt Nam sẽ có thêm thị trường EU, từ đó, có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD giá trị xuất khẩu. Trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào hiệu lực, doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019, phấn đấu doanh thu toàn ngành tăng 5 - 7%, lợi nhuận tăng 12% so với năm 2018.
|
(Theo báo Đầu tư)