Kể từ khi các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra thực hiện nghiêm quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa mức giới hạn thấp nhất đối với hàm lượng ẩm trên sản phẩm fillet cá tra là 86% và hàm lượng mạ băng là 20% thì số lượng các container cá tra xuất khẩu bị trả về đã hạn chế đến mức thấp nhất. Điều này cho thấy, đối với hàng xuất khẩu, chất lượng luôn giữ vai trò quyết định.
Thị trường cấp thấp
Để việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nông dân đến các thị trường trên thế giới được thuận lợi, từ nông dân sản xuất ra sản phẩm đến các DN xuất khẩu phải tuân thủ những quy định bắt buộc mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Cụ thể trước đây, đối với sản phẩm cá tra fillet khi xuất vào thị trường Trung Quốc, DN xuất khẩu chỉ đưa con cá lên bàn rồi xẻ làm 2 (còn gọi là xẻ bướm), cấp đông đưa đi xuất khẩu. Các chỉ tiêu về kháng sinh, vi sinh, ký sinh đối với thị trường này rất dễ dãi. Trước đây là vậy, những năm gần đây, các nhà nhập khẩu Trung Quốc khi mua hàng đòi hỏi chất lượng của sản phẩm phải nâng lên; mà giá cả lại tăng không đáng kể. Việc này cho thấy, không những các thị trường cấp cao như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU)… mà ngay cả các thị trường cấp thấp cũng đòi hỏi chất lượng sản phẩm xuất khẩu phải được nâng lên.
“Từ đầu năm 2019 đến nay, việc xuất khẩu mặt hàng cá tra fillet, cắt khúc hoặc xuất nguyên con (bỏ nội tạng) sang thị trường Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thị trường dễ tính nhưng không đơn giản, bởi từ cuối năm 2018 trở về trước, thị trường này rất chuộng cá tra xẻ bướm và kích cỡ họ chọn mua là cá tra loại lớn. Nay, những con cá tra có trọng lượng từ 1,7-2,2 kg/con không còn được ưa chuộng, nhà nhập khẩu yêu cầu kích cỡ cá xuất khẩu từ 400-850gr. Các chỉ tiêu về vi sinh, ký sinh, hàm lượng ẩm, tỷ lệ mạ băng cũng được đề cập. Đặc biệt, hàng hóa đi vào thị trường Trung Quốc, trước đây có thể xuất bằng đường tiểu ngạch, nay DN phải xuất bằng đường chính ngạch, việc này làm cho các DN xuất khẩu gặp không ít khó khăn…” - bà Lý Thị Diệu Hoa (thương nhân xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc) chia sẻ.
Thị trường cấp cao
Việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc có những thay đổi trong việc mua hàng khiến nông dân nuôi cá tra lẫn các DN xuất khẩu phải nhanh chóng thích ứng với thị trường, điều chỉnh cách thức sản xuất phù hợp với yêu cầu thực tế để hàng hóa tiếp tục vào thị trường này dễ dàng, bởi Trung Quốc đến nay vẫn là 1 trong 4 thị trường quan trọng của sản phẩm cá tra xuất khẩu.
Ngoài mặt hàng cá tra, các mặt hàng rau quả khi xuất khẩu vào Trung Quốc phải bị điều chỉnh theo các quy định hiện hành. Cụ thể: trước đây, khi dưa hấu và xoài xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, để tránh sự va chạm, dằn xóc trong quá trình vận chuyển, nông dân đã lót rơm rạ trong xe tải chở dưa. Nay, cách làm này không còn được phép, nghĩa là thương nhân không được dùng rơm, rạ lót dưa hoặc xoài hay bất cứ mặt hàng nông sản nào khác khi xuất vào thị trường Trung Quốc.
Trở lại miếng cá tra fillet xuất khẩu vào các thị trường cấp cao như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… chất lượng sản phẩm giữ vai trò quyết định. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm, các quốc gia nhập khẩu đã đưa ra nhiều quy định khác nhau, tùy vào mỗi thị trường mà có những quy định cụ thể. Theo đó, để đáp ứng những quy định này, không chỉ có DN thực hiện mà đòi hỏi nông dân tham gia sản xuất sản phẩm xuất khẩu phải thực hiện. “Các chỉ tiêu kháng sinh, vi sinh mà các thị trường nhập khẩu quy định, chúng tôi buộc phải áp dụng thực hiện một cách nghiêm ngặt. Cụ thể, DN trước khi mua cá và bắt cá mang về nhà máy, họ cử đội ngũ nhân viên đến hầm chài cá và mang mẫu về phòng thí nghiệm kiểm tra kháng sinh. Nếu cá không bị nhiễm mới bắt, ngược lại họ sẽ không bắt, vì vậy người nuôi phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định này…” - bà Lê Thị Lành (phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) phân tích.
“Mỗi thị trường đều có quy định riêng về chất lượng hàng hóa, từ thị trường cấp thấp đến thị trường cấp cao, quốc gia nhập khẩu dựng lên hàng rào kỹ thuật để kiểm soát. Vì vậy, để sản phẩm của mình làm ra vào được thị trường dễ dàng, điều tiên quyết là sản phẩm phải đạt chất lượng và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu ở mỗi quốc gia nhập khẩu” - bà Phan Thị Thu Hiền (Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ.
“Hiện nay, nông dân trong tỉnh khi sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu phải tuân thủ các quy định mà thị trường nhập khẩu, DN đưa ra, cụ thể trái xoài trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu chuẩn này khi được chứng nhận, chỉ có giá trị trong vòng 2 năm. Bước sang năm thứ 3, nhà vườn phải tiếp tục thuê đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá và chứng nhận lại. Chi phí mỗi lần chứng nhận là rất lớn, song có một nghịch lý trên thị trường là sản phẩm VietGAP hay không VietGAP, thì giá cả lại gần như nhau, điều này gây rất nhiều khó khăn cho người tuân thủ việc thực hiện các tiêu chuẩn” - ông Trần Thanh Hà (nông dân ở xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) bức xúc.
(Theo báo An Giang)