Hàng Việt phát triển thị trường xuất khẩu

Đại diện Bộ Công thương khẳng định, nhờ có các hiệp định thương mại song phương, đa phương nên sản phẩm Việt đang được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Hàng Việt đang tiếp tục phát triển, chinh phục thị trường khó tính mới…

Xuất khẩu tăng trưởng

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc cả về lượng lẫn chất.

 Tổng Cục Hải quan thống kê, một số mặt hàng vẫn đóng vai trò nhóm ngành xuất khẩu mang tính chủ lực. Đơn cử, trị giá xuất khẩu trong 4 tháng 2019 mặt hàng dệt may đạt 9,46 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện xuất khẩu sang EU đạt 4,38 tỷ USD; thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 3,32 tỷ USD, tăng cao 94,4%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 1,67 tỷ USD, tăng 8,1%. Ngoài hai nhóm hàng kể trên, không ít mặt hàng khác gia tăng kim ngạch xuất khẩu như: gỗ và sản phẩm đồ gỗ, thủy sản, nông sản.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nhận định: “Nông sản Việt đang có bước “chuyển mình” rõ nét tại thị trường nước ngoài. Nhiều nhóm hàng đã có mặt ở các thị trường khó tính. Tôi nghĩ rằng, dư địa ở thị trường các nước dành cho mặt hàng nông sản còn nhiều”. Ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC) cũng khẳng định, hàng hóa trong nước đang phát triển mạnh ở thị trường các nước. Đây chính là dấu hiệu tốt cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Giải thích nguyên nhân giúp xuất khẩu tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hồng Minh lý giải, hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương hỗ trợ các ngành sản xuất khai thác thị trường tốt hơn. Điển hình như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),… Đáng chú ý, CPTPP được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn vì bao gồm thị trường rộng lớn chiếm tới 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 5 nghìn tỷ USD.

Chinh phục thị trường khó tính

Vài năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu trong nước đang có những bước đi ngược dòng. Thay vì e dè thâm nhập, giờ hàng Việt đã đột phá đáng nể bằng cách chinh phục tốt thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ, trong 3 tháng đầu năm 2019, Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng 40,2% so với cùng kỳ.

Dựa trên con số nhập khẩu thực tế, một số dự đoán cho rằng, nếu giữ vững đà tăng trưởng như hiện nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ “vượt mặt” nhiều nước. Tại thị trường Nhật Bản, mặt hàng thủy sản, nông nghiệp từng bước chinh phục và phát triển. Điển hình, tháng 10/2018, xoài Việt Nam xuất khẩu qua Nhật. Xoài Việt cạnh tranh với xoài Thái Lan, Philipines, Pakistan, Mexico,… Ngoài mặt hàng nông sản, cá tra Việt cũng chính thức “công phá” thị trường tiêu dùng Nhật Bản. 3 tháng đầu năm 2019 cá tra sang Nhật đạt 8,85 triệu USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.

Bên cạnh phát triển thị trường khó tính, hàng Việt đang từng bước thâm nhập thị trường mới. Mexico, Canada, Peru, Nga, Đông Âu,…

Sự kết nối thương mại giữa Việt Nam – Canada ngày càng được tăng cường thông qua việc tham gia CPTPP. Chỉ sau một thời gian ngắn CPTPP có hiệu lực kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã có sự tăng trưởng mạnh trong hai tháng đầu năm 2019, đạt hơn 506 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo cam kết, Canada xóa bỏ 94,5% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, tương đương với 78% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Từ năm thứ 4, Canada xóa bỏ 96,3% số dòng thuế. Đặc biệt, nông sản, thủy sản được xóa bỏ thuế quan hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực. Ông Alex George - Tham tán thương mại cấp cao của Canada tại TP.HCM khẳng định: “Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại ASEAN. Hợp tác giữa DN hai bên tiến triển nhanh trong những năm gần đây. Rất nhiều sản phẩm “made inVietnam” có mặt tại thị trường Canada, song sản phẩm điện tử chiếm tỷ lệ nhiều nhất với kim ngạch nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD”.

Ngoài thị trường mới là Canada, thị trường Đông Âu cũng được DN Việt chú ý. Theo nhận định của Bộ Công thương, cơ hội, dư địa rất lớn cho tăng trưởng thương mại với Đông Âu.

(Theo Xã luận)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục