Hai nút thắt cần gỡ để xuất khẩu thủy sản bứt phá

Nếu gỡ được hai nút thắt lợi hại về thức ăn và con giống thì có lẽ ngành thủy sản Việt Nam sẽ còn đạt mức kim ngạch xuất khẩu ấn tượng hơn nữa.

Một nghề cá bền vững mới là ưu tiên

Kỳ vọng xuất khẩu thủy hải sản đạt mức 10 tỷ USD trong năm 2019 đã được chi tiết hóa tới từng nhóm sản phẩm ngay tại buổi triển khai kế hoạch của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chiều 16/2 vừa qua ở TPHCM. Cũng tại đây, nhiều tâm huyết của giới doanh nghiệp (DN) đã được lắng nghe cho ước mơ vươn tới một ngành thủy sản phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Phó Chủ tịch VASEP - con số mục tiêu đạt kim ngạch 3,5 tỷ USD cho mặt hàng hải sản không phải là quá khó thực hiện với lực lượng hàng trăm DN cùng tham gia vào lĩnh vực này. Thực tế giai đoạn 2013-2018 đã cho thấy doanh số xuất khẩu hải sản tăng trưởng liên tục, với mức tăng trung bình hàng năm khoảng 8%, thường xuyên chiếm 29-33% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản toàn ngành.

Tuy vậy, cảnh báo “thẻ vàng” IUU mà EU phát đi đối với hoạt động khai thác hải sản tự nhiên của Việt Nam hồi cuối năm 2017 đã kìm hãm đường đi của các mặt hàng này sang lục địa già, với mức giảm từ 4% đến 20% giá trị xuất khẩu trong năm 2018 vừa qua. Ngay cả mặt hàng hải sản nổi tiếng của Việt Nam là cá ngừ cũng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bằng phân nửa năm 2017.

Tất nhiên, ngay cả Thái Lan cũng mất tới 5 năm để gỡ được “thẻ vàng”, có khi lên tới 9-10 năm như một số nước khác (hoặc thậm chí bị rút “thẻ đỏ” cấm hẳn nhập khẩu vào EU) thì chặng đường mới hơn một năm qua của Việt Nam với rất nhiều điều chỉnh chính sách trong hàng loạt nghị định, thông tư và chương trình hành động cho các tỉnh duyên hải theo các nội dung được IUU khuyến nghị được xem là đã khá thành công.

Theo đó, các thành viên của Ủy ban Nghề cá (thuộc Nghị viện Châu Âu) trong chuyến xem xét thực tế ngành hải sản Việt Nam hồi cuối năm 2018 đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU), đồng thời cho công bố các nhận định này trên hệ thống truyền thông đại chúng tại Châu Âu.

“Nghiêm túc mà nói đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển từ ngành khai thác tự phát, nhỏ lẻ thành nghề cá hiện đại, bài bản, có trách nhiệm, bảo vệ môi trường, tránh tận diệt hải sản. Vấn đề quan trọng không chỉ là gỡ được thẻ vàng hay đạt được bao nhiêu giá trị và sản lượng hàng năm, mà là xây dựng được một nghề cá phát triển bền vững cho con cháu trong tương lai”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Tương tự, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) của Mỹ áp dụng cho 13 loại thủy hải sản đi vào thị trường này từ đầu năm 2018 cũng đang khiến cho việc thu mua nguyên liệu đáp ứng được các yêu cầu xuất xứ trở nên khó khăn hơn với các nhà chế biến Việt Nam. “Những thách thức như vậy cũng chính là dịp để chúng ta nhìn lại toàn ngành, để tổ chức sắp xếp lại các khâu đánh bắt, bảo quản, vận chuyển…”, Phó chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc nói thêm.

Chủ động được thức ăn, con giống: Sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn

Tại khu vực nuôi trồng thủy sản, bức tranh kim ngạch xuất khẩu ấn tượng của con tôm và cá tra cũng đồng thời cho thấy những thách thức khác đang song hành. Trong đó, khó khăn lớn nhất là sự bị động và phụ thuộc về giá cả lẫn chất lượng của thức ăn và con giống.

Đại diện cho các nhà chế biến tôm, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản & Thương mại Thuận Phước - cho rằng kế hoạch tăng kim ngạch mặt hàng tôm từ mức 3,6 tỷ USD năm 2018 lên 4,2 tỷ USD năm 2019 đang gặp không ít áp lực. Bên cạnh lượng tồn kho không nhỏ tại các thị trường chính do mùa đông khắc nghiệt vừa qua và sự lớn mạnh của các đối thủ nuôi trồng thủy sản như Ấn Độ, Trung Quốc, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam còn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán giá thành sản xuất. Bởi hiện tại, giá thành tôm nguyên liệu ở Ấn Độ đang rẻ hơn tại Việt Nam 1-3 USD/kg tùy kích cỡ.

Vì sao như vậy? Đơn giản vì người nuôi trồng thủy sản trong nước đang phụ thuộc lớn vào con giống và thức ăn chăn nuôi. Thái Lan hiện là nguồn cung cấp rất nhiều loại con giống mà Việt Nam có thể tiếp cận dù tỷ lệ nuôi sống rất thấp, không quá 40% số con giống ban đầu. Trong khi ở nhiều nước khác, con số này đã lên tới 70%. “Tại công ty chúng tôi, với kích cỡ 30 con/kg, nếu mang nuôi tới khi đạt 900gr/con thì tỷ lệ hao hụt là 55%. Vì vậy tỷ lệ giá thành cho cá giống hiện chiếm 25% trong giá vốn cá tra”, ông Hoàng Văn -  Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang thừa nhận.

Thức ăn cho tôm cũng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người bán là một số tập đoàn FDI lớn. Trong khi nông dân Ấn Độ tỏ ra lợi thế hơn hẳn khi mua được thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn nông dân Việt Nam từ 20-50%.

Khẳng định chính sách đang cùng hiệp sức với nông dân và DN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay đã hoàn tất xử lý 11/16 kiến nghị của ngành thủy sản trong năm 2018. “Những vướng mắc còn lại và các khó khăn mới được ghi nhận sẽ được phối hợp với các Bộ ngành liên quan để tiếp tục tháo gỡ. Riêng về cải cách hành chính, đề nghị VASEP cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, cái gì ‘của nhà trồng được’ sẽ phải làm ngay”.

(Theo VGP)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục