Hà Tĩnh phát triển kinh tế thủy sản theo hướng hiện đại và bền vững

Chiều 27/3, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959 – 1/4/2019).

Đến nay, ngành Thủy sản Hà Tĩnh được xem là một trong những ngành có tốc độ phát triển khá cao, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biển đảo của tỉnh nhà. So với 10 năm về trước, giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh đã tăng hơn 20%, đạt 2.036 tỷ đồng; tổng sản lượng đạt 47.260 tấn, tăng 14.422 tấn so năm 2008.

Toàn tỉnh hiện có 374 tàu đánh bắt xa bờ (năm 2008 chỉ có 32 chiếc), trong đó có 11 tàu vỏ thép có công suất gần 1.000 mã lực, với nhiều nghề mới được đưa vào sản xuất như: Nghề chụp mực, lồng bẫy, lưới rê khơi… Ngư dân đổi mới tư duy, đầu tư các thiết bị công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc đánh bắt, bảo quản sản phẩm khai thác.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có những bước đi bứt phá, tạo ra giá trị hàng hóa hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, tôm nuôi – sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển mạnh; xuất hiện nhiều có cơ sở nuôi tôm công nghệ cao, đạt năng suất 30-40 tấn/ha/vụ; giá trị mang lại 3-5 tỷ đồng/ha/năm. So với năm 2008, đến nay sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh tăng 56%, đạt 4.200 tấn.

Giá trị hàng thuỷ sản xuất khẩu năm 1991 (từ khi tách tỉnh) là 1,5 triệu USD, đến nay đã đạt 27 triệu USD (trong đó xuất khẩu trực tiếp là 5 triệu USD), chiếm tỷ trọng cao trong tổng số giá trị hàng xuất khẩu của Hà Tĩnh.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh yêu cầu từng bước tổ chức lại sản xuất, khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, tuyến biển, với môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản.

Đối với nuôi trồng thủy sản, cần tiếp tục phát triển nuôi tôm công nghệ cao trên cát, nuôi tôm thâm canh bằng cách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, phát triển các mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ và người nuôi để mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững.

Trước buổi lễ, Chi cục Thủy sản phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh tổ chức thả 50.000 con cá giống truyền thống các loại xuống hồ Kẻ Gỗ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

(Theo báo Hà Tĩnh)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục