Mùa mưa bão đang tới gần, thời tiết diễn biến thất thường. Do đó, người nuôi trồng thủy sản cần chú ý chế độ chăm sóc, quản lý môi trường nước trong ao nuôi, lồng bè để giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả nuôi trồng.
BỔ SUNG OXY HỢP LÝ
Theo ông Phạm Văn Thoa, người nuôi lồng bè trên khu vực sông Chà Và, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, sau dịch COVID-19, ông đang thả nuôi đợt mới để cung cấp sản phẩm cho thị trường dịp cuối năm. Ông Thoa kỳ vọng vụ nuôi cuối năm sẽ thuận lợi, giá bán cao do nhu cầu tăng trở lại. Tuy nhiên, hiện nay đang là lúc giao mùa, mưa nắng thất thường, nhiệt độ, độ pH trong nước thay đổi đột ngột, khiến cá không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh. Ông Thoa cho biết: “Để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho cá, tôi thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng và treo túi vôi trước dòng chảy. Tôi cũng giảm mật độ nuôi còn từ 70-80% so với mùa khô. Chẳng hạn, cá bớp mật độ thả giảm, còn từ 150-200 con, thay vì 230-250 con như mùa khô (lồng 36m2). Khẩu phần ăn của cá cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Đồng thời túc trực và sử dụng các thiết bị kỹ thuật thường xuyên đo chỉ số độ pH, oxy, độ mặn của nước để xử lý kịp thời khi có bất thường”.
Còn theo ông Nguyễn Lãnh, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, người đang nuôi 2ha tôm cho biết, tôm là loại thủy sản rất nhạy cảm với thời tiết xấu. Vào mùa mưa, độ pH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt. Biên độ nhiệt trong ngày lớn cũng khiến sức ăn của tôm giảm. Lượng oxy trong nước giảm sau cơn mưa cũng khiến tôm dễ mắc bệnh. “Do đó, tôi luôn chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, điều này cũng giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Tôi cũng làm hệ thống thu gom nước mưa xung quanh ao, không để nước mưa đổ dồn xuống, làm độ pH giảm đột ngột, có thể khiến tôm chết hàng loạt. Sau cơn mưa, tôi tiến hành kiểm tra ngay môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời”.
ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ, KHOA HỌC
Ngoài những biện pháp tức thời để bảo vệ thủy hải sản lúc giao mùa, nhiều DN, nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học, công nghệ vào nuôi trồng để giảm nguy cơ dịch bệnh, tăng hiệu quả sản xuất. Ông Phạm Duy Ân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An cho biết, hiện nay, xã đang có hàng chục ha tôm nuôi được che lưới phía trên, lót bạt ở dưới. Việc này giúp ao nuôi ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố cực đoan của thời tiết, nhất là vào mùa mưa. Nhiều hộ còn áp dụng hệ thống đo, tự động cung cấp oxy và có thể thay nước hàng ngày phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm. Công nghệ này giúp người nuôi có thể thả tôm với mật độ dày những vẫn ít nguy cơ nhiễm bệnh do thời tiết cực đoan. Lợi nhuận thu được cũng cao hơn từ 2-3 lần so với thông thường, có thể lên đến 150-200 triệu đồng/sào/vụ.
Một số nông dân, DN, HTX cũng mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm. Như HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP. Bà Rịa) đang áp dụng công nghệ nuôi tôm tuần hoàn nước RAS. Nguồn nước thải từ nuôi tôm sẽ được chảy tuần hoàn qua các bể lắng, lọc để xử lý đạt chuẩn để đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng. Vì chất lượng nguồn nước, các thông số kỹ thuật như độ mặn, tỷ lệ oxy trong nước được kiểm soát nên công nghệ này giúp giảm thiểu hao hụt con giống, năng suất gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng bảo đảm và không gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Công nghệ nuôi tôm này cũng giúp giảm tối đa ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết đến tôm nuôi. Do đó, dù đang là lúc giao mùa nhưng HTX vẫn có thể thả nuôi mật độ trung bình 500 con/m2, gấp 5-7 lần phương pháp bình thường. Nhờ đó, năng suất dự kiến đạt trên 15 tấn/vụ/2.000m2.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, BR-VT hiện có gần 6.300ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, trọng điểm là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và nuôi lồng bè. Để hỗ trợ cho các DN, hộ nuôi trồng, ngoài việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa mưa, chi cục đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện việc quan trắc và nhắn tin định kỳ 2 lần/tháng về các thông số trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm của tỉnh cho khoảng 1.500 hộ nuôi để xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra.
(Theo Báo BR-VT)