Giải pháp thích ứng cho Việt Nam trước xu hướng bảo hộ thương mại

Xu hướng bảo hộ thương mại (BHTM) đưa đến nhiều tác động tiêu cực hơn là tích cực cho thế giới và các quốc gia. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài và đổi mới cơ cấu kinh tế, Việt Nam cần có các giải pháp thích ứng.

Đây là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo “Tác động của xu hướng bảo hộ thương mại đến nền kinh tế Việt Nam”, do Khoa Tài chính quốc tế (Học viện Tài chính) tổ chức chiều 8/5, tại Hà Nội.

Tác động tiêu cực của xu hướng BHTM

Theo PGS. TS Vũ Duy Vĩnh - Phó Trưởng khoa Tài chính quốc tế, mặc dù xu hướng BHTM có những tác động tích cực nhất định đối với nền kinh tế, nhưng khi tính toán trên góc độ kinh tế thì những lợi ích mà xu hướng BHTM mang lại được ít hơn thiệt hại mà nó gây ra cho xã hội.

BHTM đang gây ra tác động tiêu cực cho nền kinh tế thế giới, các rào cản thương mại được dựng lên có thể làm giảm 5% sản lượng kinh tế toàn cầu.

PGS. TS Vũ Duy Vĩnh cho biết, theo thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến tháng 10/2017, đã có hơn 120 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam, gồm 75 vụ việc chống bán phá giá, 10 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc tự vệ và 17 vụ việc lẩn tránh thuế. Hoa Kỳ là nước điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với Việt Nam (13 vụ), đồng thời là nước có tỷ lệ áp thuế chống bán phá giá cao nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Khoa Tài chính quốc tế cho hay, trong những năm qua, Việt Nam liên tiếp bị áp thuế chống bán giá đối với một số mặt hàng như thép, cá tra, tôm... tại các thị trường có tiềm năng lớn như Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, EU và có cả nhiều đối tác ký hiệp định thương mại tự do với nước ta.

thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh tham luận tại hội thảo

“Điều đáng nói ở đây, mặc dù nước ta đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO, song hầu hết doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định và sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Do đó, khi đối diện với các vụ kiện quốc tế, DN loay hoay không biết đối phó như thế nào, hoặc phải chi phí theo kiện rất tốn kém, có DN còn thua cuộc và mất trắng thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.” -  PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Giải pháp thích ứng cho kinh tế Việt Nam

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để thích ứng với tình trạng BHTM trong thời gian tới, các DN Việt Nam nên trang bị các kiến thức và quy định về phòng vệ thương mại, đặc biệt là các quy định của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu. Đồng thời, các DN cũng cần chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Để hỗ trợ DN trong vấn đề này, các cơ quan chức năng cần nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Thời gian qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đã tham gia tham gia 14 tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế. DN Việt Nam cần sản xuất sản phẩm theo chuẩn quốc tế để đi nhanh hơn, xa hơn, dễ dàng hội nhập hơn.

lưu niệm

Các chuyên gia tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Với việc tham gia Hiệp định CPTPP, đã đến lúc các DN Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường các nước phát triển trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa để đạt hiệu quả cao trong kinh doanh, để tham gia vào mạng sản xuất, mạng phân phối khu vực và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo nền tảng phát triển toàn diện, đa dạng và bền vững nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trong điều kiện của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và quá trình thực hiện các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài nghiêm khắc với việc các DN trong nước cho phép các DN nước ngoài đội lốt để xuất khẩu hộ hàng hóa sang nước thứ 3. Bởi việc làm này sẽ ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, hiệu quả và hoạt động xuất khẩu của không chỉ một mặt hàng, một ngành hàng mà còn của cả nền kinh tế.

Còn theo PGS. TS Vũ Duy Vĩnh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và DN Việt Nam, đây là giải pháp có tính chất quyết định trong bối cảnh xu hướng BHTM đang trỗi dậy. Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu, không nên quá phụ thuộc vào số ít thị trường. Bên cạnh đó, cần tích cực vận động các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; tích cực đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, các khu vực trên thế giới.

Cùng với đó, tăng cường đàm phán cấp Chính phủ trong giải quyết những tranh chấp thương mại; tích cực hỗ trợ các DN kháng kiện trong khuôn khổ WTO, để bảo vệ lợi ích quốc gia theo luật pháp quốc tế.

(Theo TBTC)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục