Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, sẽ tập trung khai thác dư địa của thủy sản và lâm sản trong thời gian tới. Trong đó, về thủy sản, sẽ dồn đầu tư cho tôm, cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và khẩn trương lấy lại “thẻ xanh” của Liên minh châu Âu.
Với những thành quả đạt được, nông nghiệp cũng như xuất khẩu nông sản trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp luôn được xem là ngành trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập, những tác động mạnh mẽ từ những biến động của thị trường đã khiến cho ngành đang gặp rất nhiều thử thách. Với kết quả sau 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước chỉ đạt 23,03 tỷ USD, nhiều người hiện đang lo ngại, cả năm 2019 sẽ khó chạm mốc 43 tỷ USD như đầu năm đã đề ra.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu trông chờ vào 3 nhóm: các mặt hàng nông sản chính, thủy sản và lâm sản. Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, các mặt hàng nông sản chính lại không mấy thuận lợi, giá cả nhiều mặt hàng giảm mạnh.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra các giải pháp. Trong những tháng còn lại của năm 2019 cũng như các năm tiếp theo, cần phải tập trung khai thác lợi thế của những ngành còn nhiều dư địa là thủy sản và lâm sản. Trong đó, về thủy sản, sẽ dồn đầu tư cho tôm, cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long và khẩn trương lấy lại “thẻ xanh” của Liên minh châu Âu.
“Nói vậy, nhưng chúng ta không thể bỏ rơi thị trường của 8 mặt hàng nông sản chính, trong đó có lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, rau quả… bởi liên quan tới hàng triệu hộ nông dân, đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, rào cản lớn nhất của nhóm mặt hàng này là chất lượng” – Bộ trưởng cho hay.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng, thị trường chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc không còn dễ dãi, họ đã siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch. Do đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan… phải làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ những vướng mắc về hàng rào kỹ thuật, hướng dẫn sản xuất, đáp ứng quy trình, truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu nông sản qua chính ngạch.
Thực tế, những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe mà phía thị trường nhập khẩu đưa ra chính là yếu tố để thúc đẩy nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Việc nghiêm túc đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường, các doanh nghiệp mới có thể vươn ra thế giới một cách bền vững.
(Theo Petro Times)