Theo TS. Bùi Quang Tề - chuyên gia bệnh thủy sản, khi lượng kháng sinh đi vào cơ thể động vật thủy sản ở mức độ phù hợp, nó sẽ tồn tại trong cơ thể động vật thủy sản, giúp chúng kháng lại dịch bệnh.
Tuy nhiên, một khi lượng kháng sinh nhiều hơn mức cần thiết sẽ dẫn đến tồn đọng trong cơ thể thủy sản. Các kháng sinh tồn đọng này sẽ làm xuất hiện vi khuẩn biến thể có khả năng chống chọi lại chính các chất kháng sinh.
Vì vậy trên thực tế các ao hồ nuôi càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì dịch bệnh trong các vụ tiếp theo càng gia tăng gây thiệt hại lâu dài.
Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực lên chính các động vật thủy sản, việc tồn dư kháng sinh trong thủy sản đã và đang gây ra các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Kim Văn Tiêu - phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia khuyến cáo người nuôi cần sử dụng kháng sinh theo 5 nguyên tắc: (1) Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong danh mục cho phép của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (trong Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BNNPTNT ngày 25/2/2014 quy định 31 loại kháng sinh hạn chế sử dụng, 23 loại cấm sử dụng); (2) Không dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh; (3) Dùng đúng bệnh, đúng thuốc (loại khuẩn nào thì dùng kháng sinh đó); (4) Bảo quản đúng cách; (5) Khi tiếp xúc với thuốc phải dùng bảo hộ.
Ngoài ra, bà con cũng phải dùng kháng sinh theo “5 cần”: (1) Chỉ dùng thuốc kháng sinh trị bệnh do vi khuẩn, không dùng trị bệnh do virus; (2) Hạn chế dùng lặp lại thuốc kháng sinh để phòng vi khuẩn kháng bệnh; (3) Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng, đúng theo chỉ dẫn của cán bộ thú y; (4) Thực hiện việc giám sát sử dụng kháng sinh; (5) Nắm vững nguyên tắc trong phòng trị bệnh.
Để quản lý chất cấm, chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Kim Văn Tiêu đề nghị các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tổng cục thủy sản cần quy hoạch, thiết kế và xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm. Giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cấp, thoát nước tốt, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi (liên kết ngang - dọc); thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm hạ giá thành sản phẩm, ổn định thị trường. Tăng cường quản lý chất lượng con giống, cơ sở sản xuất giống, chất xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học, thức ăn. Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường, cảnh báo sớm, để hạn chế thiệt hại.
Cục thú y tăng cường quản lý thuốc kháng sinh, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản.
Viện, trường, chi cục thủy sản: tăng cường nghiên cứu để tạo ra các giống mới, thủy sản nhanh lớn, chất lượng cao, thời gian nuôi ngắn, kháng bệnh tốt, hệ số thức ăn thấp.
(Theo KHPT)