Trên những con tàu đánh bắt khơi xa, trong những nhà máy chế biến thực phẩm biển đang thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực được đào tạo, có chất lượng cao. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên, học sinh ra trường không tìm được việc làm. Vậy làm thế nào để thu hút người lao động có tay nghề đến với biển?
Ðổi mới công tác đào tạo
Hiện, cả nước có hơn 50 trường đại học và cao đẳng chuyên đào tạo, hoặc có đào tạo ngành nghề liên quan ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ngoài ra, hệ thống trường dạy nghề cũng phát triển với hơn 300 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hàng nghìn cơ sở đào tạo nghề chế biến thủy sản. Một số trường nổi tiếng về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Nha Trang (tiền thân là Trường đại học Thủy sản Nha Trang), Trường đại học Nông Lâm Huế... mỗi năm đào tạo hàng trăm kỹ sư, cử nhân hệ chính quy ngành thủy sản, tập trung chủ yếu cho hai chuyên ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Theo TS Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Thủy sản, hệ thống đào tạo hiện quá cũ kỹ. Hàng chục năm qua, hệ thống này không thay đổi, mặc dù từ lâu đã có sự biến đổi rất lớn trong cơ cấu kinh tế xã hội, trong điều kiện tự nhiên đối với nghề cá, trong công cuộc đổi mới và hội nhập. Sự gắn kết vĩ mô giữa trường đào tạo ngành thủy sản với xã hội ngày càng rời rạc. TS Tạ Quang Ngọc cho rằng, cần sớm đổi mới hệ thống đào tạo ngành thủy sản mới mong nâng cao được hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Văn Xứng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nha Trang cho biết, trước năm 1975 ở phía bắc có Xí nghiệp đánh cá Hạ Long với hàng trăm tàu vỏ thép công suất lớn, còn ở các địa phương trọng điểm mỗi nơi cũng đều có một đội tàu cá công suất tương đối lớn. Sau năm 1975, mô hình này vẫn được duy trì trên cả nước. Vì vậy, đội ngũ kỹ sư khai thác thủy sản được đào tạo từ Trường đại học Thủy sản Nha Trang đã phát huy hết tác dụng. Và đây là ngành "hot" nhất lúc bấy giờ.
Từ khi nghề cá Việt Nam chuyển sang mô hình mới, đội tàu đánh bắt cá do ngư dân làm chủ, các đội tàu đánh cá công suất lớn lần lượt giải tán, mạnh ai nấy làm. Ngành đào tạo khai thác thủy sản, theo đó, ngày càng sa sút. Tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân chủ yếu là công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, cho nên đội ngũ kỹ sư khai thác trở nên không còn cần thiết. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ kỹ thuật khai thác thủy sản tại các cơ sở đào tạo đứng trước nguy cơ tan rã. Lượng sinh viên vào Khoa Khai thác của Trường đại học Thủy sản Nha Trang cứ giảm dần rồi... đứt hẳn. Cái nôi đào tạo ngành khai thác thủy sản bị xóa sổ, ngay chính nơi được coi là trọng điểm nghề cá phía nam đất nước.
Theo TS Vũ Văn Xứng, sự giải thể Khoa Khai thác thủy sản của Trường đại học Nha Trang là tất yếu, do ngành thủy sản thiếu định hướng. Một chiếc thuyền công suất 20CV không cần thiết phải có kỹ sư thủy sản. Rõ ràng, công tác đào tạo đã không còn phù hợp với phương thức sản xuất mới trong thực tiễn. Ðã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước ngành thủy sản phải xác định: họ và ngành thủy sản, nhất là ngành khai thác thủy sản, đang cần những hình mẫu kỹ sư khai thác thủy sản với năng lực chuyên môn nghiệp vụ ra sao, với số lượng thế nào... cho phù hợp với trình độ hiện tại của nghề cá, để phát triển nghề cá Việt Nam, không thể lấy mô hình của mấy chục năm trước áp vào thực tiễn hiện tại.
Nhằm thúc đẩy phát triển khai thác hải sản, UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đang triển khai một số giải pháp, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực. Trước hết là đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề cao, hiểu biết các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá để phục vụ lao động trên biển có hiệu quả. Cơ chế của huyện là hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo bằng thuyền trưởng, máy trưởng, đồng thời tiếp cận các hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để thúc đẩy phát triển khai thác hải sản xa bờ.
Tổ chức lại sản xuất
Cùng với đổi mới công tác đào tạo lao động biển, phải tổ chức lại sản xuất trên biển, trước hết là cho lực lượng khai thác xa bờ gắn với điều chỉnh, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với từng nghề; tổ chức nhiều hình thức liên kết trong sản xuất như: tổ, đội khai thác thủy sản; tổ, đội thu mua thủy sản; hợp tác xã hoặc doanh nghiệp khai thác, thu mua thủy sản để phát huy được sức mạnh tập thể trong khai thác hải sản, tương trợ nhằm giảm chi phí cho từng chuyến biển, tìm kiếm ngư trường, cứu nạn, cứu hộ góp phần tăng hiệu quả sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn cho biết, để khắc phục sự thiếu hụt nguồn lao động trong khai thác hải sản, giải pháp căn cơ là phải cơ cấu lại ngành, từng bước sắp xếp lại lao động ở các nghề theo hướng tăng nhanh lao động ở các ngành nghề đánh bắt có giá trị kinh tế cao, như chụp mực, lưới vây, lưới rê hỗn hợp. Các sản phẩm chính của các nghề này là cá thu, cá ngừ, mực lá, cá dũa, cá sọ dừa… luôn là các mặt hàng hải sản có giá bán khá cao. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế và tạo thuận lợi để ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phương tiện, kỹ thuật đánh bắt. Muốn chuyển hướng sản xuất phù hợp, phải gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất mới, phù hợp hơn.
Tỉnh Quảng Nam đề ra nhiều giải pháp cấu trúc lại nghề cá. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương có nghề cá thực hiện giảm dần số lượng phương tiện khai thác hải sản xuống còn 4.000 chiếc vào năm 2020; chuyển đổi cơ cấu nghề cá ven bờ theo hướng cho phép ngư dân tham gia sản xuất với các nghề có chọn lọc, không bức hại môi trường, tàn phá nguồn lợi hải sản.
Chuyển đổi cơ cấu nghề cá, là công việc không hề dễ dàng. Chẳng hạn ở xã biển Bình Minh, địa bàn trọng điểm nghề cá của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có nghề chụp mực là nghề tương đối mới, sản xuất có hiệu quả. Ngư dân Trần Công Mậu, chủ tàu cá QNa-94141, công suất 90CV cho biết, mới chuyển sang chụp mực từ gần 5 năm nay. So với các nghề khác, chụp mực có ưu thế rất rõ rệt là có thể khai thác vào mọi thời điểm trong năm, gần như đánh bắt được mọi đối tượng hải sản và có thể hoạt động ở cả tuyến lộng lẫn ngư trường xa bờ. Nhiều ngư dân khác nhận thấy triển vọng nhưng rất khó chuyển sang nghề này vì thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục giúp ngư dân nhân rộng các nghề sản xuất xa bờ hiệu quả như: câu mực khơi, chụp mực, lưới vây. Theo kế hoạch, ngư dân sẽ được đào tạo nghề, hướng dẫn, khuyến khích thực hiện mô hình đội tàu khai thác hải sản gắn với dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm, sơ chế sản phẩm trên tàu để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí vận chuyển sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.
Một số địa phương ven biển cho rằng, muốn hiện đại hóa nghề cá phải có hỗ trợ tương xứng, trước hết là kinh phí để ngư dân đầu tư phát triển các nghề mới cho hiệu quả cao, trang bị máy móc hiện đại. Không có nguồn vốn để chuyển đổi ngành nghề, để đầu tư phương tiện đánh bắt xa bờ là khó khăn lớn nhất hiện nay của ngư dân.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Ðịnh, TS Lê Công Nhường cho rằng, làng chài và làng nghề ven biển sẽ bị thu hẹp đi nhiều. Ông đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể hơn trong phát triển du lịch ven biển, như: Dành quỹ đất tái định cư cho ngư dân ở ngay ven biển, bảo đảm thuận lợi cho sinh hoạt, hoạt động nghề biển của họ; bảo đảm đời sống xã hội của cộng đồng dân cư các làng chài và làng nghề truyền thống của họ được tốt hơn. Chính phủ cần ưu tiên các đề án phát triển du lịch có gắn kết với hoạt động nghề biển của ngư dân, cũng như cùng ngư dân cải tạo nhà ở của họ, thiết kế lại làng để cùng làm du lịch kiểu homestay như một số vùng du lịch khác.
Trước đây, khi đánh bắt khơi xa, hoạt động đơn lẻ, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro. Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá bước đầu đáp ứng được mong mỏi của ngư dân, tạo thêm điểm tựa để bà con an tâm bám biển. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hòa, nghiệp đoàn nghề cá ra đời nhằm tạo nơi sinh hoạt, kết nối ngư dân trong sản xuất cũng như trong đời sống. Qua thực tế, nghiệp đoàn nắm bắt thuận lợi, khó khăn; tâm tư nguyện vọng; đồng hành, giúp đỡ ngư dân an tâm bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển. Mô hình này cần được nhân rộng.
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Thiên Lăng phân tích: "Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đã được triển khai, nhưng hiệu quả tới đâu, có vướng mắc gì và làm thế nào để tháo gỡ là những câu hỏi cần được trả lời. Phải làm quyết liệt vấn đề này, để ngư dân được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách mà Ðảng, Nhà nước dành cho họ. Phát triển kinh tế biển không chỉ là vấn đề xóa đói giảm nghèo cho ngư dân và người dân ven biển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn vì mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia".
(Theo báo Nhân Dân)