Đồng Tháp vừa thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tỉnh, nhằm xử lý nhanh đề xuất của doanh nghiệp, giúp họ tái sản xuất thuận lợi trong tình hình mới.
Lên phương án tái sản xuất trong tình hình mới
Dịch bệnh tại Đồng Tháp đã được kiểm soát cơ bản, nhưng không được chủ quan trong phòng, chống dịch, đồng thời, phải có phương án tái sản xuất phù hợp để phục hồi và ổn định cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Đây là quan điểm chung được các doanh nghiệp đưa ra tại buổi gặp gỡ trực tuyến của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp với 12 huyện, thành phố trong tỉnh và 23 điểm cầu chuyên gia tại TP.HCM, Trà Vinh, Cần Thơ.
Tại buổi gặp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện số doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh chỉ còn trên 100 doanh nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức “3 tại chỗ”, “4 tại chỗ” với công suất chỉ đạt khoảng 30-40%.
Đồng Tháp đang thực hiện nới lỏng giãn cách tại một số nơi để nhanh chóng phục hồi sản xuất trên tinh thần an toàn là quan trọng nhất. Điều đáng mừng là, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và chuẩn bị điều kiện để tái sản xuất, kinh doanh. Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh triển khai các bước hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất trong tình hình mới.
Thực tế, trong sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp hiện phải đối mặt với tình trạng giá vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ sản xuất tăng; các khoản chi phí điện và kho lạnh, cước vận chuyển cũng tăng dẫn đến chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao, trong khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm. Tuy vậy, nhờ nỗ lực vượt khó, sự thích nghi với tình hình mới, một số doanh nghiệp đã ổn định trở lại sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 9/2021 tăng 6,21% so với tháng trước và bằng 70,69% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Sở Công thương Đồng Tháp, tháng 9 vừa qua, đa số các ngành hàng đều tăng sản lượng so với tháng trước đó, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ: thủy sản chế biến ước đạt 11.300 tấn (tăng 7,6% so với tháng trước và bằng 40,04% so với cùng kỳ năm 2020); thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản ước đạt 89.220 tấn (tăng 1,96% và bằng 47,24%); sản phẩm may ước đạt 114.000 sản phẩm (tăng 40,55% và bằng 14,71%); gạo xay xát ước đạt 75.000 tấn (tăng 1,10% và bằng 65,24%)...
Điều đáng mừng là, chuỗi cung ứng nông thủy sản tiếp tục duy trì trong thời gian giãn cách, nay có điều kiện phục hồi nhanh chóng khi nới lỏng giãn cách, nhất là có phương án khơi thông chuỗi sản xuất, cung ứng 5 mặt hàng chủ lực của tỉnh gồm: lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra và vịt sau thời gian biến động do dịch.
Đánh giá cao sự đồng hành của tỉnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, song các doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh còn khó lường, nên phải có phương án thích nghi phù hợp. Để tái sản xuất hiệu quả, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần có sự thống nhất về cách làm trong khâu lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh và trong vùng; ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động tại doanh nghiệp... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh thành lập một đầu mối thống nhất để doanh nghiệp trực tiếp kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và cảm ơn sự đồng hành của doanh nghiệp trong công tác chống dịch của địa phương. Tỉnh sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất thuận lợi nhất trên nguyên tắc doanh nghiệp phải thống nhất quan điểm an toàn là trên hết. Trước mắt, tỉnh vừa thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tỉnh, nhằm tiếp nhận, chia sẻ và xử lý nhanh những đề xuất của doanh nghiệp.
“Với quan điểm xuyên suốt là ‘thận trọng nhưng không cứng nhắc, linh hoạt nhưng an toàn, nới lỏng kèm quản lý’, Đồng Tháp sẽ có biện pháp phù hợp để khôi phục sản xuất, đưa các hoạt động chuyển sang trạng thái bình thường mới”, ông Phong khẳng định.
Cảnh giác cao trong phòng, chống dịch
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 8.289 ca mắc Covid-19, đang điều trị 400 ca, gần 8.000 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện. Có 108 địa phương cấp xã dự báo bình thường mới; 181 doanh nghiệp được UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt phương án “4 tại chỗ” với hơn 19.500 công nhân. Qua 13 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19, toàn tỉnh tiêm được 422.515 liều (tiêm mũi 1 là 326.420 liều, mũi 2 là 96.095 liều). Huyện Tam Nông, Tháp Mười cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trong hơn 14 ngày qua.
Phát biểu tại buổi gặp trực tuyến nêu trên, ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, phải chuẩn bị xây dựng kịch bản khi phát sinh ổ dịch mới; củng cố lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch và chuẩn bị sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị cần thiết.
Đồng thời, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg (nâng cao); xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 theo kế hoạch; khi được phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 thì khẩn trương tổ chức tiêm. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cần tổ chức thực hiện tốt chương trình công tác năm 2021.
Ông Lê Quốc Phong nhận định, tỷ lệ người dân đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chưa đạt mức 70 - 80%, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao, phải thận trọng trong nới lỏng giãn cách xã hội. Các địa phương cần chuẩn bị xây dựng kịch bản khi phát sinh ổ dịch mới; củng cố lực lượng y tế tham gia phòng, chống dịch và chuẩn bị sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị cần thiết.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ đạo, các huyện, thành phố, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, kiểm soát việc di chuyển và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg (nâng cao) của người dân; xây dựng hướng dẫn, quy định, tiêu chí để có cơ chế quản lý vừa đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, vừa từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân về phòng dịch.
Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của các huyện, thành phố và tiểu ban. Trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch tiếp tục có chuyển biến tích cực như: số ca F0 chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong khu cách ly, duy trì công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát với số lượng lớn; F0 đang điều trị giảm còn dưới 500 ca; tăng số lượng “vùng xanh” và địa phương cấp xã bình thường mới; giảm các khu phong tỏa; thực hiện nhanh việc tiêm vắc-xin...
Ông Nghĩa lưu ý, các địa phương cần tăng cường sự kiểm soát tại những chốt kiểm soát phòng, chống dịch, nhất là ở địa bàn giáp ranh với tỉnh bạn. Từng địa phương, từng tiểu ban phải đánh giá tình hình dịch bệnh để định hướng, xây dựng phương án thời gian tới; quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn; chủ động xây dựng kịch bản khôi phục phát triển sản xuất - kinh doanh.
(Theo báo Đầu tư)