Mở cửa kinh tế: Làm gì để doanh nghiệp khôi phục sản xuất?

Mở cửa thế nào, mức độ ra sao… đòi hỏi bộ, ngành phải tham mưu cho Chính phủ kế hoạch phục hồi nền kinh tế với các giải pháp cụ thể và đột phá.

Cần đột phá từ Nam bộ

Làn sóng Covid-19 lần 4 đã khiến tình trạng tắc đầu ra của nông sản khu vực ĐBSCL trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản.

Theo số liệu từ VCCI Cần Thơ, riêng tại tỉnh này, lượng cá tra tồn đến cuối tháng 9 hơn 38.500 tấn do 52/106 nhà máy phải đóng cửa phòng dịch. Số nhà máy còn lại không thể thu mua nguyên liệu do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Mặt hàng chủ lực của khu vực ĐBSCL là lúa gạo cũng bị thiếu hụt lao động và thương lái không thể thu mua do không đi lại được giữa các địa phương khiến chuỗi cung ứng đứt gãy.

Ngoài ra, doanh nghiệp lúa gạo phải thuê container giá cao, thiếu tàu vận chuyển. Đáng chú ý, các cảng tại khu vực này hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động trong thời gian giãn cách khiến lượng gạo ùn ứ lớn.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm của khu vực ĐBSCL chỉ đạt 3,9 triệu tấn, giảm 14%.

Ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ cho biết: Các mặt hàng nông sản của Việt Nam, các nước khác cũng có nên nếu không kịp thời mở cửa, sản xuất lại, kết nối chuỗi cung ứng, chúng ta sẽ dần mất thị trường.

Cụ thể, tại ĐBSCL, riêng mặt hàng thủy sản, đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 có gần 50% đơn hàng trễ hẹn và gần 15% đơn hàng bị hủy.

Hai kịch bản tăng trưởng cho năm nay là tăng trưởng GDP cả năm 2,5% và 3%. Ở phương án thứ nhất thì tăng trưởng quý IV phải đạt 5,3%. Còn ở kịch bản 3% thì tăng quý IV phải đạt 7% và khả năng này là rất khó. Do đó, cá nhân tôi nghiêng về kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 2,5%.

Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê

Ông Hoàng Văn Huy, Tổng giám Công ty Mekong Food thông tin thêm: “Các đơn hàng đã ký từ lâu, tiền cọc bị găm giữ trong khi kế hoạch sản xuất không rõ ràng. Nay khách hàng yêu cầu phải gửi hợp đồng, hủy đặt cọc hoặc là phải gửi ngay hàng cho họ”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, doanh nghiệp có nhà máy đặt tại một địa phương A nhưng lại có lao động và nguồn nguyên liệu ở địa phương khác và thị trường cũng ở nơi khác.

“Nếu chỉ riêng địa phương A mở cửa thì không ổn, mà phải mở cửa cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, phải có sự kết nối giữa các địa phương trong khu vực và kết nối với trung tâm khu vực là TP.HCM”, ông Lam nói.

Sở dĩ vấn đề khó khăn cũng như tăng trưởng của khu vực ĐBSCL được quan tâm đặc biệt là bởi theo Tổng cục Thống kê, chỉ riêng khu vực này đóng góp khoảng 45% vào GDP cả nước; GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 20 tỉnh (gồm cả TP.HCM) chiếm 57% GRDP cả nước, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 53%, dịch vụ 63%...

Trong ngắn hạn, Bộ NN&PTNT tập trung mọi biện pháp để phục hồi ngành nông nghiệp, đảm bảo tăng trưởng dương. Về dài hạn, chúng ta phải tư duy lại câu chuyện phát triển cho vùng ĐBSCL và các vùng khác trong đó tư duy nhà nước phải phù hợp với tư duy thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Do vậy, tăng trưởng khu vực này suy giảm sẽ tác động lớn đến tăng trưởng cả nước.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, tại khu vực phía Nam, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn lên tới 98,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tại TP.HCM theo đó cũng giảm mạnh về mức âm trong tháng 9, ảnh hưởng tới cả quý III và cả năm. Bên cạnh TP.HCM, các tỉnh khác trong khu vực cũng có tăng trưởng công nghiệp âm là Bến Tre, Cần Thơ, Bình Dương…

Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fullbright Việt Nam, để khục hồi kinh tế cần tập trung nguồn lực vào hai ngành có đóng góp lớn cho tăng trưởng nhưng chịu tác động mạnh của làn sóng Covid-19 thứ 4 là công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại.

Bên cạnh đó, xét theo tiêu chí vùng, cần tập trung nguồn lực cho các tỉnh phía Nam, nhất là vùng Đông Nam Bộ.

“Những tháng cuối năm nếu làm quyết liệt và tăng mạnh đầu tư công cho vùng này, các địa phương phục hồi được sẽ kéo tăng trưởng của cả nước đi lên”, ông Thành nói.

Phác thảo chương trình phục hồi kinh tế

Phải nhanh chóng khởi động lại các dự án đầu tư công đã ngưng trệ thời gian qua. Cùng với tiêu dùng cuối cùng, đầu tư công là động lực và phục hồi và tăng trưởng của năm nay và năm 2022. Chính phủ cần kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, miễn giảm thuế mạnh như đã đề xuất và chấp nhận bội chi cao hơn mới có thể phục hồi kinh tế.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành

 “Năm ngoái, chúng ta tự hào khi có tăng trưởng dương. Nhưng năm nay chúng ta sẽ chỉ có tốc độ phục hồi thấp nhất so với các nước có tăng trưởng nhanh”, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định. Ông Thành phân tích: Kinh tế đã chịu tác động lớn thời gian qua nên việc phục hồi cả năm nay sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của quý IV. “Mở cửa trong điều kiện bình thường mới là cứu cánh của nền kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng, phải mở cửa ngay từ hôm nay để có tăng trưởng trong quý IV. Và muốn việc phục hồi kéo dài sang năm 2022 thì việc mở cửa phải bền vững, không áp dụng biện pháp giãn cách trên diện rộng nữa.

Với kịch bản mở cửa bền vững thích ứng an toàn thì phục hồi năm 2022 cần hỗ trợ từ tiền tệ và tài khóa, không thể ngưng hỗ trợ từ một chính sách nào.

Nếu chỉ mở rộng gói tiền tệ đảm bảo thanh khảo, tín dụng tăng tốt thì lại có nguy cơ bất ổn vĩ mô.

“Chúng ta có thuận lợi lớn là lần này cân đối vĩ mô không bị xói mòn, lạm phát 9 tháng chưa tới 2%, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 9 mới đạt 7,2%, cán cân thương mại tăng dư, vốn FDI vẫn vào Việt Nam, dự trữ ngoại hối vẫn trên 100 tỷ USD chưa dùng, nợ công vẫn quanh 55% còn dư địa cho chính sách tài khóa”, chuyên gia Fullbright nói. Theo tính toán của ông Thành, đến giữa tháng 10 khi nhiều doanh nghiệp quay lại sản xuất, tăng trưởng GDP quý IV có thể đạt 3,5% và cả năm đạt 2,1%.

Để nhanh chóng thiết lập tình trạng “bình thường mới”, cần nhanh chóng thực hiện các công việc sau:

(1) Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, từng bước gỡ bỏ các lệnh giãn cách xã hội. Các thị trường trong nước cần sớm được mở cửa trở lại để lưu thông hàng hóa thông suốt.

(2) Thúc đẩy triển khai bao phủ rộng tiêm chủng vaccine.

(3) Mạnh dạn triển khai áp dụng “thẻ xanh Covid”.

(4) Nhanh chóng chủ động nguồn vaccine bằng cách nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

(5) Tạo sự thông thoáng cho sản xuất và lưu thông qua các chính sách tài chính, an sinh xã hội… của Chính phủ nhằm tạo lực đẩy kích thích, khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Tổng cục Thống kê

 “Còn nếu mở cửa ngập ngừng thì GDP quý IV sẽ thấp hơn. Nếu quý IV thấp hơn 2% thì tăng trưởng cả năm chỉ 1%. Còn nếu quý IV không tăng trưởng thì tăng trưởng GDP cả năm 2021 sẽ âm. Tăng trưởng GDP cả năm trên 3% là rất khó”, ông Thành nhận định về kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Chính sách hỗ trợ theo ông Thành, thời gian qua thực hiện khá chậm nên cách hỗ trợ hiệu quả nhất hiện nay là mở cửa kinh tế để doanh nghiệp được hoạt động trở lại.

Ông Thành chỉ rõ, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại cần thống nhất xuyên suốt như công nhân tiêm 1 mũi vaccine hoặc xét nghiệm thường xuyên đối với nhóm nguy cơ cao.

Đừng để tình trạng chỉ vì một hai ca F0 mà cả doanh nghiệp phải đóng cửa. Đây cũng là cách mà Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang làm khi mở cửa trở lại.

Tiếp theo là ngay từ bây giờ phải kiểm soát dịch theo phương thức rủi ro, tức là yêu cầu các tổ chức tuân thủ và Nhà nước giám sát.

“Đừng áp dụng cơ chế xin phép, cấp phép. Không có chuyện cấp phép mà thông thoáng được”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Tại cuộc họp đầu tháng 10 về chương trình phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian thực hiện chương trình phục hồi kinh tế cần đủ dài để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%/năm.

Bộ trưởng cũng tiết lộ, dự kiến, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tập trung và các ngành, lĩnh vực vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như: Du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách.

PGS. TS. Hoàng Văn Cường (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):

Nên xem xét cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn

Các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay như: Giãn, hoãn thuế, hoãn đóng bảo hiểm, khoanh nợ ngân hàng… mới giảm gánh nặng cho doanh nghiệp để họ tiếp tục tồn tại, chưa tạo ra nguồn lực mới cho doanh nghiệp.

Muốn có nguồn lực cho doanh nghiệp, trước hết bản thân doanh nghiệp phải tái cấu trúc hoạt động, tái cấu trúc nguồn vốn để chỉ tập trung vào hoạt động thiết thực có hiệu quả ngay lúc này. Hai là nguồn lực từ bên ngoài, là tín dụng ngân hàng.

Lãi suất vẫn là rào cản với các doanh nghiệp nhưng không thể kêu gọi ngân hàng giảm xuống mức cân bằng của họ vì họ cũng phải kinh doanh có lãi và phần dự phòng cho rủi ro.

Do đó, theo tôi để giảm lãi suất hơn nữa thì phải có hỗ trợ của Nhà nước qua cấp bù lãi suất cho gói tín dụng cho doanh nghiệp ưu đãi vay vốn.

Ngoài ra, biện pháp Chính phủ cần tính đến là gói hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách là cấp tín dụng thông qua đơn đặt hàng của Chính phủ, của Nhà nước để doanh nghiệp thực hiện.

 

(Theo báo Giao Thông)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục