Cà Mau: Mở rộng thị trường nội địa - Bước đi mới để phục hồi kinh tế

Để nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Cà Mau đã xác định những bước đi mới trên con đường tiêu thụ nông, thủy sản của tỉnh đó là mở rộng thị trường nội địa.

Tiềm năng thị trường còn bỏ ngõ

Tỉnh Cà Mau nổi tiếng là vùng nuôi tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm đến 280.000 ha, sản lượng nuôi trồng khai thác thủy sản 600.000 tấn/năm, sản lượng tôm 250.000 tấn/ năm. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều loại đặc sản nức tiếng, như: Cua, cá kèo, ba khía, tôm đất...

Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn quốc nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, đặc biệt từ những ngày đầu tháng 8 đến nay, các nhà máy, cơ sở sơ chế tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Nguồn tiêu thụ từ đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm, khiến cho nguyên liệu trong khu vực nuôi trồng bị tồn đọng, thế nhưng điều đáng nói là các doanh nghiệp lại bỏ ngõ thị trường nội địa.

Ông Dương Hoàng Long, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki nhận định: Nhu cầu thực phẩm tươi sống đang rất lớn. Đặc biệt là hàng thủy sản tươi sống có xuất xứ từ Cà Mau.Thế nhưng từ trước đến nay, nhà sản xuất kinh doanh ít quan tâm đến thị trường nội địa, lo hướng ngoại để xuất khẩu...; họ cho rằng, tiêu thụ nội địa lợi nhuận ít, nhỏ lẽ, nhưng họ quên thuận lợi đó là vòng quay đồng vốn ngắn, ít rủi do và khách hàng nội địa dễ tính...

“Vào tháng 5, khi dịch Covid-19 bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi triển khai sớm mặt hàng nông, thủy sản tươi sống. Bởi lúc này, do bị ảnh hưởng dịch bệnh các chợ đầu mối, chợ truyền thống bị đóng cửa, sự lưa chọn duy nhất của người tiêu dùng là siêu thị, do đó nhu cầu tiêu thụ rất cao. Mong muốn của chúng tôi là đưa hàng tươi ngon, chất lượng và có thương hiệu nổi tiếng đến với người tiêu dùng. ”, ông Long chia sẻ thông tin.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, hiện vẫn giữ thói quen phụ thuộc vào hệ thống thương lái, nhằm hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất liên kết bị đứt gãy, con đường phục hồi lại thị trường phải nhìn gần, cho bước đi ngắn và điểm đến là thị trường nội địa.

Theo Tổ công tác 970 thuộc Bộ NN&PTNT, từ khi thành lập (ngày 18/7/2021) đến nay, đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân tiêu thụ được hơn 20.000 tấn nông, thủy sản các loại. Điều này cho thấy, tiềm năng của thị trường trong nước rất lớn.

Tìm giải pháp thích ứng tình hình mới

Mới đây (ngày 18/9), chia sẻ tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2021, ông Đỗ Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, cho biết: “Nói đến con cua, ai cũng nghĩ ngay đến đặc sản của Cà Mau. Tuy nhiên, ở tại TP. Hồ Chí Minh hay một số địa phương khác, tìm mua được con cua Cà Mau chính hiệu rất khó. Ngay bây giờ, Cà Mau cần có biện pháp bảo hộ thương hiệu và làm sao để quảng bá, tạo lòng tin cho người tiêu dùng khi nhìn,nghe đến hàng hóa của Cà Mau. Được như vậy, chúng tôi sẽ sẵn sàng, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm này ngay".

Còn ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail bày tỏ sự tin tưởng vào chất lượng nông, thủy sản Cà Mau. Dựa trên chất lượng sản phẩm hiện có, Cà Mau tập trung giữ vững thương hiệu, tạo lòng tin cho khách hàng trong và ngoài nước. Sắp tới, Central Retail cam kết đồng hành cùng tỉnh, để đưa không chỉ mặt hàng về tôm, mà các sản phẩm OCOP truyền thống ra nước ngoài. 

"Cà Mau cần quan tâm đến thị trường trong nước, để hàng trăm nghìn khách hàng của tập đoàn đều có cơ hội thưởng thức đặc sản Cà Mau, thông qua chuỗi siêu thị từ Bắc vào Nam của Central Retail”, ông Paul Lê đề nghị.

Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, riêng sản phẩm cua nuôi xen canh với hệ thống rừng ngập mặn, đạt sản lượng 20.000 tấn/năm. Ngoài ra, lúa Cà Mau không có diện tích và sản lượng lớn, nhưng tập trung vào chất lượng. Với tổng 95.000 ha trồng lúa nhưng chỉ 30.000 ha chuyên canh, còn lại là xen canh lúa - tôm. Bên cạnh các mặt hàng trên, Cà Mau cũng có nhiều đặc sản, nên các sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng chú ý.

 Hiện nay, tỉnh có khoảng 33 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm 4 sao. Sản phẩm tiềm năng của tỉnh còn rất nhiều, theo lộ trình thì cuối năm 2021 Cà Mau phấn đấu có 100 sản phẩm OCOP. Đây là những lợi thế cho Cà Mau tạo sự khác biệt về đặc sản của địa phương có chất lượng cao.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận, nông thủy sản ở Cà Mau có lợi thế, nhưng do tình hình dịch diễn biến phức tạp, nên quá trình sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản của tỉnh cũng gặp khó khăn nhất định. Do vậy, tỉnh cùng các cơ quan chuyên ngành, doanh nghiệp, nông dân cần xác định, nhận diện lại thị trường tiêu thụ để bắt nhịp, không bị đứt gãy.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh thời gian gần đây, và thời gian tới là, hướng cho doanh nghiệp và nông dân quan tâm đến thị trường nội địa, chăm sóc đối tác ngoài nước tốt hơn để tạo uy tín lâu dài không chỉ cho tỉnh, mà cho quốc gia. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động hiến kế giúp đưa các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau “đổi đời”.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục