Doanh nghiệp mong được tiếp tục hỗ trợ phục hồi sản xuất

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ tăng gói tài khóa, tăng cường phân cấp cho TP.HCM để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp.

Hôm 2.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức tiếp xúc cử tri doanh nghiệp tại thành phố theo hình thức trực tuyến để lắng nghe các khó khăn, kiến nghị khi TP.HCM từng bước mở cửa lại kinh tế.

Doanh nghiệp kiệt quệ, khó khăn còn nhiều

Báo cáo trước Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho biết các DN tại thành phố hầu như tê liệt khi tạm ngừng kinh doanh từ ngày 9.7 đến nay. Chỉ có một số DN với khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” (3T) và “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Cụ thể, tổng số DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là 1.412 đơn vị với 285.000 lao động thì chỉ có 265 DN với 51.000 lao động còn hoạt động; 115 DN tại Khu công nghệ cao thì chỉ có 63 công ty có hoạt động; số DN bên ngoài hầu hết phải đóng cửa và chỉ còn khoảng 15% hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, chỉ có 30,72% trong số 500 công ty được hỏi đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về vốn và tín dụng của Chính phủ.

Đặc biệt các DN nhỏ và siêu nhỏ chỉ khoảng 22% tiếp cận được gói hỗ trợ này. Trong đó, rào cản lớn nhất khiến các đơn vị không tiếp cận được vốn vay là do không đủ điều kiện có tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng. Tương tự, phần lớn DN cũng cho biết chưa tiếp cận được khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động (NLĐ) bị nghỉ việc trong thời gian giãn cách và khi phục hồi sản xuất.

Cụ thể hơn, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại Lê Thành, từ tháng 6 khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã đóng cửa khách sạn ở TP.Đà Lạt vì không có khách. Nhưng đến giữa tháng 7, TP.Đà Lạt mới yêu cầu đóng cửa để phòng chống dịch bệnh thì NLĐ của công ty ông lại không đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ.

Vì vậy ông kiến nghị xem xét và điều chỉnh quy định để NLĐ vẫn được hưởng trợ cấp. Còn theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, thời gian qua các công ty ngành này vẫn duy trì được khoảng 40% sản xuất nhưng số lượng công nhân đã nghỉ việc gần 50.000 người. Hiện Chính phủ đã chính thức đưa ra thông điệp sống chung với Covid-19, nhưng nhiều địa phương vẫn có những chính sách riêng chưa đồng bộ, nhất là trong việc lưu thông hàng hóa...

Tăng gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, ngành du lịch bị tổn thất nặng nề nhất từ khi dịch bùng phát đến nay. Ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ để các ngân hàng thương mại cho các công ty vay lại để họ có thể quay lại thị trường.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao, cũng đề nghị nhà nước cần trao thêm quyền chủ động cho DN như xử lý nguồn vắc xin, xét nghiệm trong quá trình hoạt động. “Thực tế hiện nay DN phải chạy hết tốc lực để giao kịp đơn hàng cho đối tác nước ngoài vì tháng 10 là thời gian cao điểm giao hàng, nếu không sẽ bị mất luôn đơn hàng cho những năm tới. Các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... vẫn còn theo chính sách riêng của từng tỉnh nên cần có giải pháp thật nghiêm, thật gấp để tháo gỡ tình trạng ngăn sông cấm chợ”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi gặp, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP.HCM đứng trước tình huống chưa từng có nên cần các chính sách chưa từng có. Theo ông Nhân, số liệu mà ông ước tính đến nay nhà nước đã chi hỗ trợ cho DN và người dân hơn 100.000 tỉ đồng, tương đương khoảng hơn 4 tỉ USD. Đây là nỗ lực rất lớn do ngân sách không dự kiến chi khoản này, nhưng vẫn chưa đủ.

Trong khi đó, qua nghiên cứu 14 nước trên thế giới thì khi kinh tế suy giảm, các nước đã tăng nợ công để hỗ trợ kinh tế hồi phục. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chúng ta cần tổng gói hỗ trợ ít nhất phải tương đương 6,5% GDP, khoảng 410.000 tỉ đồng và chủ yếu là tăng nợ công. Khi đó cũng chỉ mới bằng 1/3 mức tăng nợ công của các nước. Nếu xem xét thấy cần thiết tăng nợ công để đưa ra gói hỗ trợ như trên thì đề xuất QH phải có nghị quyết đặc biệt về nâng trần nợ công nhằm giúp DN tăng năng lực tài chính, hỗ trợ người dân trong giai đoạn vừa hồi phục kinh tế vừa phòng chống dịch.

Không được tạo ra các loại giấy phép, chi phí không cần thiết

Phát biểu kết thúc buổi gặp DN, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM tập hợp đầy đủ các ý kiến để gửi đến QH tại kỳ họp sắp tới. Chủ tịch nước cũng đề nghị Chính phủ tăng gói tài khóa, tăng cường phân cấp cho TP.HCM để thực hiện hỗ trợ DN. Ví dụ như trong chính sách giảm tiền thuê đất 30% áp dụng chung trên cả nước thì có thể phân quyền cho TP.HCM được tự quyết định giảm từ 30 - 50%. Đồng thời, VN cần nghiên cứu tăng quy mô gói kích thích kinh tế vì các gói hỗ trợ vừa qua còn rất nhỏ so với nhiều quốc gia.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đưa ra kiến nghị với Đoàn ĐBQH TP.HCM. Đó là Chính phủ cần có sự phân loại từng nhóm DN để có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả hơn. Ví dụ các đơn vị đã đóng cửa thì không phù hợp với chính sách giảm hay giãn nộp thuế. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ đưa ra theo năm, nhưng thời gian để DN hồi phục sẽ kéo dài. Vì vậy, ông kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ dài hơn để động viên DN, gắn với thời gian để DN hồi phục. Ông Hoan cũng cho hay TP.HCM đã kiến nghị rồi nhưng chưa thấy T.Ư trả lời về việc đưa đại dịch Covid-19 là một trường hợp bất khả kháng vào quy định để thành phố có căn cứ thực hiện theo điều 20 Nghị định 46/2014 về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước để giảm cho DN...

Theo Chủ tịch nước, Bộ Tài chính cần nghiên cứu để trình Chính phủ báo cáo với QH về chính sách tài khóa đồng bộ như phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho phát triển kinh tế; tăng cường miễn, giảm các chính sách thuế, phí cho DN thay vì chỉ hoãn nộp và dự kiến có thể kéo dài các chính sách hỗ trợ đến năm 2022. Các ngân hàng cần tiếp tục chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa, tái cơ cấu các khoản vay.

Thông qua Hiệp hội DN TP.HCM, các DN trên địa bàn thành phố kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tương ứng với các tình huống; hướng dẫn người dân và DN xử lý các tình huống để DN chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh kịp thời. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật chồng chéo, bất cập đã được các bộ ngành tổng hợp cần được chỉnh sửa, bổ sung nhanh, kịp thời để giải phóng các nguồn lực của xã hội và DN, phục vụ phát triển kinh tế. Hiện nay có rất nhiều dự án của các đơn vị đã sẵn sàng về đất đai, vốn đầu tư, nhưng do vướng mắc các thủ tục hành chính nên chưa triển khai được. Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế cần ban hành theo đối tượng DN và mục tiêu phục hồi kinh tế để thiết thực và có hiệu quả cao hơn...

“Phải rút gọn thủ tục hành chính, tối thiểu các loại phí. Tuyệt đối không được sáng tạo ra các loại giấy phép, chi phí hành chính không cần thiết. Đề nghị TP.HCM phối hợp với các địa phương hỗ trợ DN, NLĐ và ngay bây giờ cần có giải pháp hỗ trợ giữ chân NLĐ để họ ở lại thành phố làm việc. Các bộ ngành cần tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, lao động để từng bước khôi phục kinh tế. Không nên áp dụng giãn cách xã hội quá dài, quá rộng và các địa phương phải thống nhất, không cát cứ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết luận.

(Theo báo Thanh niên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục