Đồng bộ giải pháp cho chuỗi thủy sản

Doanh nghiệp thủy sản sẽ đứng trước nguy cơ đứt gãy của toàn chuỗi nếu trong tháng 9/2021 các giải pháp chống dịch không đi kèm các biện pháp phù hợp để các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất…

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) với Diễn đàn Doanh nghiệp. 

- Đại dịch COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng, đặc biệt là làn sóng dịch thứ 4 vừa qua, trong đó, thủy sản cũng không nằm ngoại lệ, ông có thể chia sẻ về thực trạng của ngành thủy sản hiện nay?

Trong thời gian 2 tháng vừa qua (tính từ giữa tháng 7/2021), khi mà TP. Hồ Chí Minh cùng 18 tỉnh phía Nam và các tỉnh Nam Trung bộ đổ vào (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận…) đã thực hiện giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng chống dịch COVID-19, chủ yếu là theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các khó khăn và áp lực đứt gãy ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực kể trên là duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 10-50% số lượng lao động (chủ yếu 20-30%), số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương

Khoảng 70% số nhà máy không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất (bao gồm: ngừng hoàn toàn, hoặc một số tạm ngừng để tổ chức lại nhà máy theo điều kiện “3 tại chỗ” để trình phương án). Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang,…

Với việc sản xuất “cầm chừng” một phần và “ngưng sản xuất” như vậy, ước tính trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm, và ít nhất số lượng tương tự nữa cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo do giãn cách, ngừng sản xuất (gồm: ngư dân khai thác biển, nông dân nuôi cá-tôm, cung ứng bao bì, cung ứng vật tư, các dịch vụ hậu cần cảng-nghề cá…).

Công suất sản xuất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-35% cho cả ngành chế biến thủy sản. Riêng ngành cá tra chỉ đạt chưa đến 20% công suất.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí lại tăng vọt khi doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” như: chi phí xét nghiệm hàng tuần cho công nhân, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn-ngủ-làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30-50%,… dẫn đến giá thành trên đơn vị sản phẩm đã tăng 10-25% tùy theo loại sản phẩm (tôm, cá tra, cá ngừ, hải sản,..) và quy mô công suất chế biến được.

Theo tính toán sơ bộ, một doanh nghiệp trung bình sẽ lỗ khoảng 30%/tháng nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” với chỉ 1/3 công suất, và sẽ thiệt hại 50-55%/tháng nếu ngưng sản xuất.

- Thưa ông, trước thực trạng đã nêu, khả năng phục hồi của doanh nghiệp sẽ như thế nào?

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội, chỉ có 30 – 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất (Trung bình để khôi phục được 50% công suất là 3-6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất là 9 tháng - 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất sẽ rơi vào khoảng 1,5-2 năm).

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị COVID-19.
Ngoài ra, chủ trương của nhiều tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch, do đó khả năng hồi phục sản xuất là rất khó, nếu việc tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9/2021 thì khả năng rất khó hồi phục lại sản xuất như bình thường.

- Vậy, theo ông ngành thủy sản sẽ cần những giải pháp gì trong thời gian tới?

Theo tôi, doanh nghiệp thủy sản sẽ đứng trước nguy cơ đứt gãy của toàn chuỗi nếu trong tháng 9/2021 các giải pháp chống dịch không đi kèm các biện pháp phù hợp để các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất.

Cụ thể, dừng áp dụng “3 tại chỗ”; lưu tâm hơn đến sản xuất trong hoàn cảnh sống chung với dịch, theo đó, doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các doanh nghiệp, được địa phương hỗ trợ và phê duyệt phương án kịp thời cho sản xuất.

Không cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/ bộ phận riêng biệt; Người lao động, người dân được lưu thông trong điều kiện 5K – trừ hoạt động tập trung đông người.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn công tác xét nghiệm COVID-19 cho người lao động trong các nhà máy thống nhất trên toàn quốc (tỷ lệ xét nghiệm, bao lâu thì xét, với người chưa tiêm-tiêm 1 mũi vaccin-tiêm 2 mũi vaccin thì như thế nào?); đưa test-kit vào diện bình ổn giá để giảm chi phí cho toàn xã hội.

- Ngoài ra, ông có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các bộ ngành?

Không chỉ cá nhân tôi mà hầu hết các doanh nghiệp ngành thủy sản đều mong muốn, đề xuất Chính phủ ra Nghị quyết riêng cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông-thủy sản để các địa phương dành đủ quan tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp và ngành hàng trong bối cảnh mới.

Đề nghị các các địa phương có phương án để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vai trò và tiếng nói trong Ban chỉ đạo Chống dịch của địa phương – để nông nghiệp, thủy sản có thêm cơ chế phục hồi sớm, tránh đứt gãy. Bởi trong giai đoạn phục hồi sản xuất đi cùng bảo vệ thành quả chống dịch, vai trò của các địa phương là hết sức quan trọng có tác động lớn đến việc động viên và thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất an toàn. Ban chỉ đạo chống dịch của các Tỉnh phải có thêm đại diện các ngành kinh tế cùng với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong chuỗi sản xuất nông thuỷ sản.

Và Bộ Y tế có hướng dẫn “Bảo vệ người lao động, hướng dẫn về việc giảm thiểu và phòng ngừa lây lan COVID-19 tại nơi làm việc” cho chủ doanh nghiệp trong chiến lược chống dịch mới “sống và làm việc chung với dịch bệnh”, hướng dẫn thống nhất này được xem như cẩm nang cho phép mỗi doanh nghiệp xây dựng và trình phương án sản xuất cụ thể với Sở y tế và CDC địa phương nhằm đảm bảo an toàn và sản xuất liên tục.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Diễn đàn DN)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục