Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nỗ lực cầm cự vượt ‘bão’ COVID-19

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải cầm cự khắc phục khó khăn, cố giữ thu nhập cho người lao động.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản “có máu mặt” tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng từ hơn 1 tuần nay, lần lượt các đơn hàng xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Canada… của công ty Vina C.F (tên một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản sạch tại Sóc Trăng-PV) bị đối tác cắt bỏ hoặc lùi hạn.

Ông V.V.Ph-Tổng Giám đốc Vina C.F sốt ruột chia sẻ: “Doanh nghiệp tôi vừa nuôi vừa chế biến, xuất khẩu tôm đi các nước, vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán bar… Nay hệ thống này bị đóng cửa, hàng bị tồn ứ, thiệt hại trăm bề” – ông V.V.Ph bày tỏ.

Cũng chung tình trạng với Vina C.F, nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản tại ĐBSCL đang lâm tình cảnh khó khăn khi hàng loạt đơn hàng đang bị đối tác hủy bỏ hoặc lùi thời hạn.

Theo các chủ doanh nghiệp, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19, hệ thống nhà hàng đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tôm là mặt hàng cao cấp, không phải là thực phẩm thiết yếu hàng ngày, nên việc tiêu thụ tại thị trường nội địa là rất khó khăn, đặc biệt, bán cho người tiêu dùng để chế biến thức ăn hàng ngày là điều rất khó” – ông V.V.Ph bày tỏ.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

“Chúng tôi đang rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, khả năng chúng tôi phải tính đến phương án cắt giảm 30-50% nhân công” – ông V.V.Ph chia sẻ.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết: Do tác động của dịch COVID-19, từ đầu tháng 3.2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Cho tới thời điểm này, đa số các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 35-50% đơn hàng (do bị hủy, lùi đơn hàng hay thiếu nguyên liệu).


Kể từ tháng 3.2020, khu vực ảnh hưởng bắt đầu lan rộng sang khu vực Châu Âu, tại một số nước, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch, nhà hàng và khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn nguy cơ đại dịch bùng phát. Đơn hàng mới chưa được ký lại, hàng tồn kho lớn.

“Đến giữa tháng 3.2020, nhiều đơn hàng tại Trung Đông, Châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm ngừng mà chưa có thời gian quay trở lại. Cho tới thời điểm này, trừ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, phần lớn các doanh nghiệp thủy sản đều bị ảnh hưởng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Không chỉ vậy, các đơn hàng phục vụ cho ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ”-ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Hiện tại, đã có từ 35-50% đơn hàng xuất khẩu tôm đi Mỹ và EU bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được, lượng tồn kho tại cả nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu đều lớn, kho lạnh đã đầy và không còn đủ sức chứa, cho dù tại nhiều nước nhập khẩu, nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25-30% nhưng cũng không thể kích cầu.

Các doanh nghiệp cho biết, họ cần có sự hỗ trợ của nhà nước bằng các gói tín dụng ưu đãi, giãm sãi suất cho vay; giãn nợ ngân hàng; tiếp tục giảm giá xăng dầu; giảm lượng lấy mẫu và giảm chi phí lấy mẫu; giảm chi phí lưu thông đường bộ…

(Theo BLĐ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục