Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam tại Mỹ thuộc Bộ Công Thương, nhận định xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá tại thị trường Mỹ.
Hội chợ Thủy sản 2019 đang diễn ra tại thành phố Boston, đã quy tụ hơn 1.000 doanh nghiệp thủy sản đến từ hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới.
15 doanh nghiệp thủy sản lớn của Việt Nam đã tham dự hội chợ thủy sản thường niên lớn nhất Bắc Mỹ này nhằm tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường đầy tiềm năng.
Phát biểu tại hội chợ, ông An Thế Dũng, Giám đốc cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam tại Mỹ thuộc Bộ Công Thương, nhận định xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá tại thị trường Mỹ vì nền kinh tế nước này đang trên đà phục hồi, mức tiêu thụ hàng thủy sản tăng và thuế chống bán phá giá đối với tôm của Việt Nam năm nay dự kiến sẽ giảm từ mức 25,39% trước đây xuống 4,58%.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam, từ lâu đã là một thương hiệu được yêu thích, hiện được phía Mỹ chuẩn bị thông qua công nhận là đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.
Chính vì vậy, mục tiêu của ngành thủy sản đưa kim ngạch xuất khẩu năm nay lên 10 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018 là một mục tiêu cao đầy thách thức, nhưng với những tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường Mỹ, theo tính toán của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) khả năng cán mốc được mục tiêu này là hoàn toàn khả thi.
Cụ thể, VASEP xác định mục tiêu năm 2019 là xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD đối với tôm; 2,3 tỷ USD với cá tra và khoảng 3,5 tỷ USD với các mặt hàng thủy hải sản.
Để đạt được mục tiêu này, song song với nỗ lực phát triển thị trường, ngành thủy sản đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển nuôi sạch, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm hiện nay nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôm Việt Nam, đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động tăng cường quảng bá sản phẩm vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, và châu Âu.
Tại Hội chợ Thủy sản Boston 2019, đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam đã tích cực nắm bắt xu hướng tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng, cập nhật các yêu cầu về sản phẩm và ký thêm nhiều hợp đồng mới với các đối tác nước ngoài.
Theo đánh giá của ông David Cohen, Phó Chủ tịch phụ trách Thu mua của Công ty thủy hải sản Boca đặt trụ sở tại bang Florida, người có mặt tại hội chợ để trực tiếp ký hợp đồng nhập cá tra của Việt Nam, thủy hải sản của Việt Nam có chất lượng rất cao.
Quang cảnh hội chợ
Ông cho biết từ khi trở thành đối tác nhập thủy hải sản của Việt Nam tới nay, ông chưa bao giờ phải nhận phản hồi không tốt của khách hàng về các sản phẩm của Việt Nam.
Hiện công ty thủy hải sản Boca đang thương thảo để ký hợp đồng tăng lượng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam cho năm 2019.
Trong khi đó, bà Tô Thị Tường Lan, phó Tổng thư ký VASEP cho biết chất lượng thủy hải sản của Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình từ lâu bởi thủy hải sản của Việt Nam đã được xuất tới hơn 160 nước trên thế giới.
Việt Nam hiện là nhà cung cấp cá tra lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp tôm lớn thứ tư toàn cầu. Tuy nhiên, bà Lan khẳng định để xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ có thể khởi sắc hơn nữa, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn phải chú trọng đảm bảo sản phẩm không chỉ sạch chất lượng mà còn đa dạng.
Bà Lan phân tích: "Ngoài những sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra thì chúng ta có thể phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để tránh thuế chống bán phá giá đối với cá tra đông lạnh và tôm đông lạnh từ Việt Nam ví dụ như những mặt hàng chế biến sẵn từ cá biển, hải sản ăn liền là những mặt hàng tiềm năng cho thị trường Mỹ."
Cũng có chung nhận định trên, Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại địa bàn New York và các vùng phụ cận, nhận định ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều động lực để phát triển trong năm 2019 do nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng của thị trường Mỹ, cộng với việc nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) có hiệu lực.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, thị trường hàng thủy sản tại Mỹ là rất lớn, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung còn chưa ngã ngũ, trong khi thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam ở Mỹ vẫn còn nhỏ bé và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Tuy nhiên, đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ quy trình sản xuất bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm thì mới đạt được tất cả các yêu cầu của thị trường Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của Việt Nam phải hợp tác với các doanh nghiệp nhập khẩu, chế biến của Mỹ để tạo thành liên minh trong chuỗi sản xuất, từ đó mới đảm bảo lợi ích cho người sản xuất Việt Nam đồng thời tạo điều kiện cho quy trình thương mại hai bên được duy trì thường xuyên, liên tục, và không bị cản trở.
Theo VASEP, triển vọng của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2019 là rất lớn khi tốc độ tiêu thụ thủy sản của thế giới sẽ tăng mạnh mẽ.
Dự kiến đến năm 2020, sức tiêu thụ tăng lên 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và đạt 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển, trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn.
VASEP cũng cho biết sẽ tập trung phát triển một số thị trường quan trọng, trong đó có Mỹ và các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bằng chất lượng, không cạnh tranh bằng giá rẻ.
(Theo TTXVN)