Tiếp nối đà tăng mạnh trong quý III, các doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng quý IV tiếp tục lãi lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng lên kế hoạch mở rộng để tranh thủ cơ hội từ chiến tranh thương mại hay các hiệp định thương mại tự do.
Xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh số doanh nghiệp thủy sản tăng mạnh
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 800 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 212 triệu USD, ghi nhận mức tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và các hải sản khác cũng có chiều hướng tăng trong thời điểm cuối năm. Riêng tôm xuất khẩu trong tháng tiếp tục giảm hơn 19% và đạt 290 triệu USD. Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đạt hơn 8,03 tỷ USD, tăng gần 5%. Tính riêng hai tháng 10 và 11, xuất khẩu thủy sản đạt 1,63 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận doanh số xuất khẩu tháng 10 và 11 đạt 78,3 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, doanh số công ty đạt 348 triệu USD, tăng 27%. Giá bán tiếp tục tăng mạnh trong khi khối lượng có sự tăng nhẹ là yếu tố đẩy cao doanh số Vĩnh Hoàn.
Với CTCP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV), ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc cho biết doanh thu năm 2018 ước đạt 4.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 600 tỷ đồng; lần lượt tăng 35% và gấp 4 lần so với năm trước, vượt 25% và gấp 2,4 lần kế hoạch năm.
Như vậy, riêng quý IV, Navico dự kiến đạt doanh thu 1.265 tỷ, lãi sau thuế 393 tỷ đồng; tăng 49% và gấp 8,7 lần cùng kỳ năm trước.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) – công ty thành viên của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) lũy kế 11 tháng, sản lượng chế biến đạt 20.781 tấn, doanh số tiêu thụ đạt 201,8 triệu USD; lần lượt vượt 7% và 6,2% chỉ tiêu kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt trên 180 tỷ đồng.
Trong khi 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 128 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 119 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng 36,7% và 27% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, riêng hai tháng của quý IV lợi nhuận tạo ra ước chiếm khoảng 30% lũy kế 11 tháng.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FMC chia sẻ năm 2018, ngành tôm bị ảnh hưởng bởi giá tiêu thụ sụt giảm theo tình hình chung trên thế giới nên doanh số bị giảm theo. Theo thông lệ ở quý IV nhu cầu tăng nên tôm Việt nói chung và FMC nói riêng cũng có sự tăng trưởng ở các tháng cuối năm.
Doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng đón đầu các hiệp định thương mại
Ông Lực cho rằng dự báo xu thế năm 2019 mức cung tôm thế giới trên đà thuận lợi vì không có dự báo dịch bệnh tôm lớn, cho nên xu thế tiêu thụ tôm khó phục hồi mạnh. Công ty cũng đã có nghiên cứu để tranh thủ cơ hội kinh doanh từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay EVFTA. Để đón đầu EVFTA, FMC đã chuyển hướng thâm nhập thị trường EU từ hai năm qua và kết quả hết sức khả quan. Trước chiến tranh thương mại Mỹ Trung, FMC đã chuẩn bị xưởng chế biến tôm để giành thị phần tôm khi bị Mỹ đánh thuế cao.
Đồng thời, công ty cũng chuẩn bị cho chiến lược mở rộng vùng nuôi, đây được coi là một mảng kinh doanh chính. Công ty mở rộng vùng nuôi theo khả năng quỹ đất có được, chắc chắn năm 2019 và các năm về sau sẽ có mở rộng diện tích nuôi tôm hàng năm.
Đối với thị trường trong nước, do chi phí logistics còn quá cao, thủ tục đưa hàng vào các hệ thống tiêu thụ nội địa còn nhiều phiền toái nên FMC chưa có kế hoạch khai thác, ông Lực cho hay.
Ông Nhứt, Phó Chủ tịch ANV cũng cho biết không chỉ chuẩn bị riêng cho năm 2019 mà về dài lâu, Navico sẽ đa dạng thị trường nhằm cân bằng và tránh rủi ro. Hiện nay, thị trường Trung quốc của ANV còn mới và chỉ chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018; thị trường châu Âu chiếm 16% trong tổng doanh số xuất khẩu và duy trì nhiều năm nay. Riêng thị trường Mỹ do đang chịu thuế bán phá giá cao nên công ty chưa vào được nhưng đây là thị trường rộng lớn chiếm khoảng ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra với giá bán tốt, nên vài năm tới công ty sẽ chinh phục lại.
Với các hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA, các sản phẩm cá tra nhập khẩu vào những thị trường này sẽ được hưởng thuế suất 0%, tuy nhiên ông Nhứt cho rằng với các nước tham gia TPTPP không phải là thị trường lớn của cá tra nên TPTPP không tác động nhiều đến lợi thế xuất khẩu cá tra.
Đi kèm với chiến lược đa dạng vùng nuôi, công ty cũng tập trung hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, đến nuôi cá bố mẹ, cá giống, chế biến và xuất khẩu. Ngay từ bây giờ, Navico đã thành lập công ty nuôi trồng thủy sản vốn điều lệ 540 tỷ để mở rộng vùng nuôi mới 600 ha nhằm thực hiện 2 công đoạn là sản xuất con giống và nuôi cá thịt nguyên liệu cung ứng cho thị trường. Ông Nhứt chia sẻ có như vậy công ty mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay và trong những năm về sau.
Bên cạnh đó, Navico còn đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị công nghệ cao để gia tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí giá thành và đầu tư vào R&D cho các sản phẩm liên quan như dầu ăn, bột collagen và surimi.
ANV đề ra mục tiêu năm 2019 đạt lợi nhuận sau thuế 700 tỷ và cán mốc 1.000 tỷ vào năm 2020.
(Theo NDH)