Doanh nghiệp lao đao vì COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Tại các khu công nghiệp, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, tại các khu công nghiệp có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu chính bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, gồm các lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến lâm sản và sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu.

Khách hàng từ chối, hủy đơn hàng

Từ tháng 2/2020, các doanh nghiệp chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu bắt đầu chịu tác động của dịch bệnh, hầu hết không xuất được hàng do cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc bị đóng.Từ giữa cuối tháng 3, đến lượt các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Mỹ bị ảnh hưởng, nhất là lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, mây tre lá, thủy sản cấp đông… khi khách hàng từ chối và hủy đơn hàng. Đến tháng 4, khi dịch bệnh lan tràn khắp thế giới thì các doanh nghiệp chế biến cá ngừ đại dương gặp khó khăn vì hoạt động xuất khẩu gần như “đứng bánh”.

Tại Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp (KCN Hòa Hiệp 2, huyện Đông Hòa), đối tác chính của doanh nghiệp đến từ Mỹ, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha (các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh) nên những đơn hàng xuất đi các thị trường này đều bị từ chối và hủy vô thời hạn. “Hiện nay, tình hình vô cùng khó khăn vì một lượng hàng hóa lớn không thể xuất đi được.Chúng tôi đang cố gắng khai thác thị trường Trung Quốc nhưng sản lượng rất hạn chế. Trước mắt, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất với nỗ lực giữ chân người lao động. Tuy nhiên, hiện xí nghiệp chỉ duy trì được 3-4 ngày làm việc/tuần để đảm bảo thu nhập cho hơn 600 công nhân”, ông Roberto C. Sobang.Giám đốc Xí nghiệp, bày tỏ.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa) cho hay: Hiện nay, mặt hàng chủ lực của Bá Hải là cá ngừ đại dương xông khói, xuất sang thị trường Mỹ. Trong tháng 3, lượng hàng bị hủy so với đơn hàng đã ký chiếm 35%; đến tháng 4 thì 100% đơn hàng bị hủy. Do vậy, công ty tồn kho trên 457 tấn và còn tiếp tục tăng do chúng tôi đã ký kết bao tiêu nguyên liệu trực tiếp của ngư dân, đồng thời duy trì sản xuất để đảm bảo đời sống người lao động. Theo ông Hồng, xuất khẩu không được, khách hàng chậm thanh toán, tồn kho cao, doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì sản xuất.Trong khi đó, đơn vị vẫn phải thanh toán tiền mua nguyên liệu, lương công nhân và cả chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng thu ngân sách trong các khu công nghiệp trong quý I/2020 chỉ đạt 26,1 tỉ đồng, giảm gần 19% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 25,8 triệu USD. Tại các khu công nghiệp có 50 doanh nghiệp bị thiệt hại; trong đó 10 doanh nghiệp bị thiệt hại từ 70% doanh thu trở lên, 30 doanh nghiệp thiệt hại từ 30-70% doanh thu và 10 doanh nghiệp thiệt hại dưới 30% doanh thu. Tổng doanh thu các doanh nghiệp bị thiệt hại ước tính hơn 300 tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc làm của khoảng 1.000 lao động cũng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tập trung ở các doanh nghiệp thủy sản và chế biến lâm sản.

Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng đã triển khai hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ngành Thuế cũng triển khai xác định các đối tượng được gia hạn thuế theo nghị quyết của Chính phủ. Còn Bộ Công thương thì ban hành chính sách về hỗ trợ tiền điện để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Về phía địa phương, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên đang tính toán mức giãn tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp dựa trên mức độ ảnh hưởng dịch bệnh. Ngoài ra, ban cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch. Trước mắt, đơn vị phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách các doanh nghiệp, các nhóm đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 để họ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. 

Tại các khu công nghiệp có 50 doanh nghiệp bị thiệt hại; trong đó 10 doanh nghiệp bị thiệt hại từ 70% doanh thu trở lên, 30 doanh nghiệp thiệt hại từ 30-70% doanh thu và 10 doanh nghiệp thiệt hại dưới 30% doanh thu. Tổng doanh thu các doanh nghiệp bị thiệt hại ước tính hơn 300 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên

(Theo báo Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục