Để nuôi trồng thủy sản thành công

Đầu vụ nuôi trồng thủy sản năm 2019, thời tiết thuận lợi nên người nuôi đang triển khai thả giống đại trà. Để nuôi trồng thủy sản thành công, người nuôi cần tuân thủ lịch thời vụ, chọn con giống từ các cơ sở sản xuất uy tín, thả nuôi đúng mật độ, quan tâm đến môi trường vùng nuôi…

Thả giống đại trà

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 100ha trong tổng số khoảng 960ha ao hồ nuôi tôm nước lợ được thả giống, tình hình tôm nuôi ổn định và phát triển.

Ông Lê Thanh Sang, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), cho biết: Năm nay, gia đình tôi tiếp tục thả nuôi 5 hồ với diện tích khoảng 15.000m2 tại vùng nuôi thuộc thôn Vũng Tàu, xã Hòa Hiệp Nam. Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã cải tạo và xử lý nước trong ao nuôi rất kỹ trước khi thả giống, đồng thời chọn mua tôm giống ở cơ sở có uy tín. Đến nay, thời gian nuôi đã gần 1 tháng, tôm phát triển bình thường.

Theo ông Sang, các năm trước, thường vào thời điểm đầu vụ nuôi, không khí lạnh xuất hiện hoặc mưa, nắng thất thường nên khi thả tôm giống sẽ bị ảnh hưởng, tôm nuôi chậm phát triển và chết dần. Năm nay, đến giờ phút này, thời tiết có nhiều thuận lợi, hy vọng vụ nuôi tôm 2019 thành công…

Vụ này, gia đình ông Nguyễn Minh Chính ở xã Hòa Hiệp Nam, chuẩn bị thả nuôi 3 hồ với diện tích khoảng 10.000m2, hiện đã bơm nước vào các hồ nuôi và xử lý xong, chờ ngày thả giống. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay ông Chính chỉ thả nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng nên chờ thời tiết thuận lợi nhất mới thả giống.

 “Mấy năm trước, thường thì trước Tết Nguyên đán đã thả tôm giống nên khi gặp thời tiết bất lợi, tôm nuôi không phát triển, thậm chí còn bị chết hàng loạt. Hiện gia đình tôi đang chọn một trong các trại sản xuất tôm giống có uy tín để mua giống về thả nuôi. Con giống sạch bệnh, khỏe mạnh sẽ góp phần rất lớn cho sự thành công của cả vụ nuôi…”, ông Chính cho biết.

Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, địa phương hiện có gần 600ha nuôi thủy sản ao hồ, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ốc hương và các loài cá biển. Từ đầu năm đến nay, số diện tích thả nuôi không nhiều, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi đang được kiểm soát.

Người nuôi tôm ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) đang kiểm tra tôm nuôi

Quan tâm đến môi trường vùng nuôi

Theo UBND huyện Đông Hòa, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, song người dân chưa coi trọng việc bố trí hệ thống xử lý chất thải, còn phổ biến tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý từ ao nuôi ra sông gây ô nhiễm nguồn nước tại vùng nuôi.

Năm nay, để nuôi trồng thủy sản thuận lợi, ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: Huyện đã triển khai kế hoạch, lịch thời vụ nuôi thủy sản năm 2019 đến từng xã, thị trấn. Địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi như xây dựng quy chế vùng nuôi, thành lập các tổ quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, huyện Đông Hòa còn xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản tiên tiến, hỗ trợ cá rô phi giống cho một số hộ nuôi nhằm xử lý môi trường ao nuôi… Đồng thời quy hoạch xong chi tiết đối với vùng nuôi sông Ngọn và tiến hành cắm mốc cho các khu vực nuôi được quy hoạch.

Mới đây, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã triển khai lấy mẫu nước tại một số vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, một số chỉ tiêu gây bất lợi cho thủy sản nuôi, người nuôi cần phải có sự điều chỉnh phù hợp.

 “Trung tâm đã chuyển kết quả quan trắc các mẫu nước tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đến các địa phương để phổ biến đến từng hộ nuôi. Các vùng nuôi có độ mặn thấp, cần điều chỉnh tăng độ mặn phù hợp. Đối với các vùng nuôi tôm hùm có hàm lượng ôxy hòa tan thấp, người nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra tôm nuôi, chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước để điều chỉnh lồng nuôi cho phù hợp. Người nuôi nên san thưa mật độ nuôi trong lồng, tách những cá thể tôm nhiễm bệnh nuôi riêng và tăng cường vệ sinh lồng nuôi nhằm tăng sự lưu thông của nước. Định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, tránh các tác nhân gây bệnh…”, ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên nói.

Để triển khai tốt công tác nuôi trồng thủy sản năm 2019, Sở NN-PTNT yêu cầu các địa phương có nuôi thủy sản phổ biến lịch thời vụ và mật độ thả nuôi đến từng vùng nuôi để người nuôi biết và áp dụng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học phải đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, kiểm soát tốt chất lượng con giống sản xuất tại địa phương và giống nhập về Phú Yên, chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo vụ nuôi năm 2019 đạt hiệu quả cao nhất.

(Theo báo Phú Yên)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục