Đảo chiều sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL

Một số địa phương ở ĐBSCL biết tận dụng lợi thế để xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu thực tế

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện tỉnh đang ưu tiên phát triển các mô hình nuôi tôm để thay thế dần diện tích trồng lúa hoặc cây trồng khác kém hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao được kỳ vọng sẽ giúp cho người nuôi đạt lợi nhuận cao và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như thị trường ngày càng khắt khe hơn.

Kỳ vọng con tôm

Nói về sản phẩm chủ lực, ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Minh (tỉnh Kiên Giang), cho rằng An Minh nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung đều rất kỳ vọng vào con tôm để giúp cho nông dân vùng ven biển từng bước đổi đời thay vì trồng lúa vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Cũng theo ông Khanh, hiện nay, nông dân đã sáng tạo được mô hình "con tôm ôm gốc lúa" khá hiệu quả. Sau nhiều năm đưa nước mặn vào nuôi tôm, một số diện tích đất đã bị nhiễm mặn, cây trồng không thể sinh trưởng phát triển được nữa. Trong khi đó, cây lúa được xem là cỗ máy xử lý môi trường sau vụ tôm, đồng thời gốc rạ là môi trường lý tưởng cho tôm con đeo bám. Đặc biệt, khi lượng rơm, rạ này bị phân hủy sẽ sản sinh ra sinh vật phù du làm thức ăn cho tôm.

Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết hiện địa phương còn 4 ngành hàng chủ lực là: tôm, cua, gỗ và lúa chất lượng cao. Nhờ thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất Cà Mau nhiều điều kiện thuận lợi như: đất phù sa màu mỡ, có hệ thống rừng ngập mặn và rừng tràm phong phú nên người dân đã tận dụng nguồn thức ăn có trong tự nhiên để nuôi xen canh tôm và cua, qua đó góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Để các sản phẩm chủ lực của địa phương được phát triển bền vững, tỉnh Cà Mau đang phối hợp với nguồn vốn của trung ương để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống và mô hình sản xuất ngày càng thích ứng với việc BĐKH và theo nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và áp dụng quy trình kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tạo sự cạnh tranh của nông sản.

Liên kết để phát triển

Cá tra và lúa gạo là 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang và cũng là sản phẩm của quốc gia. Trong những năm qua, An Giang luôn tập trung đầu tư mở rộng và nâng cao sản lượng để phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia cũng như cho xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người trồng lúa vẫn luôn sống trong cảnh bấp bênh theo từng mùa vụ do giá cả lên xuống bất thường.

Riêng ngành hàng cá tra An Giang tuy chiếm diện tích không nhiều nhưng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Cá tra ở An Giang thuộc nhóm khu vực 1 có tác động kéo theo các khu vực còn lại ở khâu chế biến và các dịch vụ liên quan. Từ thực tế này, An Giang sắp xếp lại thứ tự ưu tiên đầu tư theo hướng thủy sản đứng đầu, kế đến là rau củ quả rồi mới đến lúa gạo.

Cũng theo ông Thư, hiện An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm "thủ phủ" thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp để ngành hàng chủ lực này của tỉnh cũng như cả nước phát triển bền vững. "Để bảo đảm cung cầu thì ngoài giới hạn của tỉnh nên đề nghị các bộ ngành có biện pháp kiềm chế không cho tự phát, nhất là đối với những tỉnh không có lợi thế về nuôi trồng loại thủy sản này. Vì đây là sản phẩm chủ lực quốc gia nên nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về hạ tầng để giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư lớn" - ông Thư đề xuất.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng nhu cầu tiêu thụ cá tra đang tăng nhưng nguồn cung bị hạn chế. Nguyên nhân do người nuôi đang băn khoăn sau nhiều năm qua sống trong cảnh phập phồng lo sợ thì nay lại bán được giá cao.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho hay theo dự báo của các nhà kinh tế, đến năm 2050, thế giới sẽ thiếu lương thực và người dân sẽ bớt ăn ngũ cốc nhưng tăng tiêu thụ nhiều thịt hơn nên các địa phương cần xem xét dành nhiều diện tích đất trồng cỏ hoặc cây trồng khác phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngay từ lúc này, Việt Nam nên chuyển những diện tích lúa sang những cây trồng khác nhưng vẫn có thể quay lại trồng lúa khi cần thiết một cách dễ dàng.

"Hiện các tỉnh ở ĐBSCL như An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp đang thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vì đã biết tập trung phát triển những ngành hàng chủ lực của địa phương một cách bền vững. Do đó, để đạt hiệu quả cao thì chỉ nên sắp xếp lại đồng ruộng, người nông dân hợp tác với các doanh nghiệp xây những vuông tôm với những mương tưới, mương tiêu rõ ràng để tránh lây lan dịch bệnh. Do đó, đối với những nơi ven biển như Kiên Giang thực hiện đưa con tôm lên hàng đầu là thượng sách thay vì trồng lúa. Đây có thể xem là tín hiệu vui vì hiện nay các tỉnh đang có những bước đi đúng hướng và mang tính bền vững" - GS-TS Võ Tòng Xuân đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng Khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ), khẳng định lúa gạo, thủy sản, trái cây là sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL. Đối với cây ăn trái, phải xác định loại trái có thể xuất khẩu sang thị trường lớn mà các nước khác yếu thế hơn mình. Xoài cát Hòa Lộc ở Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp đều trồng được nhưng lãnh đạo 3 tỉnh nên ngồi lại với nhau. Bộ NN-PTNT điều phối và xác định quy mô sản xuất, giải pháp kỹ thuật, tìm kiếm thị trường chung cho xoài cát Hòa Lộc, thay vì mỗi tỉnh làm sẽ chồng chéo. 

 

Ưu tiên hàng đầu cho thủy sản

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn về nông nghiệp tổ chức mới đây ở Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng để triển khai chiến lược phát triển ĐBSCL, cần có các giải pháp tổng thể, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý. Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 trọng tâm là thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với tiểu vùng sinh thái, coi thủy sản là sản phẩm chủ lực.

(Theo NLĐ)

 

 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục