Phía EU yêu cầu khắt khe đối với việc khai thác thủy sản phải có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; Đặc biệt, thủy sản xuất khẩu không được đánh bắt bất hợp pháp.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thực thi từ đầu tháng 8/2020 đến nay với 220 mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi về thuế suất từ 0%-22%. Đơn cử cá ngừ đông lạnh dạng fillet và loin từ thuế suất 18% sẽ được giảm về 0% trong 3 năm. Phía EU cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn cá ngừ đóng hộp/năm, mở ra cơ hội cho các sản phẩm của doanh nghiệp Việt vào thị trường châu Âu, dự báo tổng giá trị cá ngừ xuất sang thị trường EU trong năm 2020 đạt 123 triệu USD.
Hiện, EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng giá trị xuất khẩu. EVFTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Ông Saornil Minguez Ruben, Phó Văn phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam cho biết, phía EU yêu cầu khắt khe đối với việc khai thác thủy sản phải có nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; Đặc biệt, thủy sản xuất khẩu không được đánh bắt bất hợp pháp.
“Ô nhiễm vi sinh sẽ xâm nhập vào sản phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ví dụ trong cá ngừ có sẵn histamine nếu không quản lý được thời gian, nhiệt độ thích hợp nó sẽ gia tăng hàm lượng histamine có thể gây ngộ độc”, ông Saornil Minguez Ruben cảnh báo.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho ngư dân khai thác thủy sản bền vững, thực hiện tốt các cam kết về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Các Hiệp hội, doanh nghiệp thường xuyên liên hệ với cơ quan thương vụ để cập nhật các ưu đãi về thuế quan của EVFTA, sản xuất các sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường châu Âu.
Theo ông Phùng Đức Tiến, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo các quy định về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường để nâng cao chất lượng thủy sản nói chung cũng như cá ngừ xuất khẩu nói riêng.
“Các doanh nghiệp cần tập trung vào nghiên cứu công nghệ bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch. Ngư dân phải tập trung khai thác có nhật ký, có kinh độ, vĩ độ, có xuất xứ nguồn gốc để đảm bảo thuận lợi cho việc truy xuất. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên các tàu cá cũng như nhà máy cần thực hiện đúng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của châu Âu, từ đó nâng cao được chất lượng, tỷ suất, quy mô hàng hóa và tăng được hàm lượng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm thủy sản xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
(Theo VietQ)