Mặc dù nhiều doanh nghiệp chú trọng phát triển các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản nhưng các chuyên gia cho rằng những thị trường ít người quan tâm như Đài Loan cũng có rất nhiều tiềm năng cho thủy sản Việt.
Thị trường nhỏ bị ngó lơ
Trước khi diễn ra dịch bệnh Covid-19, mỗi tháng Công ty cổ CP Nam Việt xuất khẩu 250 tấn sản phẩm cá tra phi lê sang thị trường Đài Loan, trị giá khoảng 500 triệu USD. Đồng nghĩa mỗi năm công ty này đạt giá trị xuất khẩu từ 5 đến 6 triệu USD cho riêng thị trường này.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, sản lượng cá tra và giá trị xuất sang Đài Loan giảm một nửa. Quan trọng là không biết khi nào mới có dấu hiệu hồi phục khi dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Do đó, Nam Việt quyết định chuyển hướng sang khai thác các thị trường tiềm năng hơn như EU, Mỹ, tại châu Á thì Thái Lan hay Malaysia là những thị trường có nhiều triển vọng hơn. “Việc xuất khẩu sang thị trường Đài Loan sụt giảm ngày càng nhiều kể từ khi Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, với nhưng thị trường có giá trị tương đương như Thái Lan hay Malay thì dễ dàng khai thác hơn do gần hơn về vị trí địa lý cũng như đã có với nhau hiệp định CPTPP”, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, giám đốc kinh doanh Công ty CP Nam Việt chia sẻ.
Tượng tự với Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước, từ trước khi dịch bệnh bùng phát, Đài Loan luôn là một trong những thị trường được doanh nghiệp này đẩy mạnh khai thác. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 khiến sức mua tại thị trường này giảm sút. “Sản lượng xuất sang Đài Loan từ đầu năm là không đáng kể vì tác động của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó thị trường này đối với công ty chúng tôi không có nhiều tiềm năng. Do đó trong kế hoạch sắp tới việc đẩy mạnh khai thác thị trường Đài Loan sẽ được loại bỏ, dồn sức cho những thị trường lớn hơn”, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch HĐQT công ty Thuận Phước cho biết.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc các doanh nghiệp thủy sản tập trung chủ yếu cho các thị trường chính trong thời điểm này là điều hoàn toàn hợp lý. Cộng thêm sức hút từ hiệp định EVFTA càng khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản tập trung dồn sức để khai thác thị trường châu Âu. Tuy nhiên, việc chú trọng vào những thị trường lớn mà ngó lơ những thị trường giá trị thấp hơn như Đài Loan không phải là lựa chọn tối ưu về lâu dài.
Đa dạng thị trường là bước đi cần thiết
Theo đại diện VASEP, Đài Loan không nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Nhưng thị trường này cũng có kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam tương đối ổn định với trên 100 triệu USD/năm, chiếm từ 1,3 đến 1,8 tổng xuất khẩu thủy sản của nước ta trong những năm gần đây. Những mặt hàng mà thị trường này nhập khẩu nhiều nhất là tôm sú đông lạnh, tôm tươi (khoảng 34%); cá tra phi lê đông lạnh (13%); tôm chân trắng tươi/đông lạnh (5%); tôm chế biến (6%), surimi (7%), mực, bạch tuộc khoảng 6%....
Từ đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 50,5 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 27 triệu USD; giảm 18%, cá tra đạt gần 10 triệu USD, giảm 27%; các mặt hàng hải sản đạt 22 triệu USD, giảm 4%.
Tuy vậy, dù xuất khẩu thủy sản sang Đài Loan hiện giá trị kim ngạch chưa cao song nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này đang có xu hướng tăng lên. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt nếu có hướng tiếp cận phù hợp.
Việc đa dạng hóa thị trường giúp ích cho việc phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai.
Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm của Đài Loan đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Thêm vào đó, mới đây, Tổng cục Quản lý Dược và thực phẩm Đài Loan (TFDA) có văn bản gửi Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc công bố danh sách 674 doanh nghiệp của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường này. So với lần trước, số lượng doanh nghiệp thủy sản được cấp phép tăng thêm 36 doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong các tháng tới.
Tuy nhiên, VASEP cũng lưu ý, để xuất khẩu được qua Đài Loan, doanh nghiệp cần đóng gói hàng hóa nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, kèm đầy đủ hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, khi đưa hàng hóa vào Đài Loan cần chú khâu quảng cáo, cung cấp thông tin để người tiêu dùng tại đây biết, tìm mua.
Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp khai thác thị trường lớn là điều cần thiết nhưng vẫn giữ mối quan hệ với các thị trường nhỏ hơn. Với những thị trường nhỏ, tiêu chuẩn sẽ không khắt khe và hơn hết là việc đa dạng hóa thị trường sẽ giúp ích rất lớn cho mục tiêu dài hơi là phát triển bền vững mà ngành thủy sản đang hướng tới.
(Theo TGTT)