Sau hơn 7 năm thực hiện Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND (từ năm 2012) và hơn 1 năm thực hiện Nghị Quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025, ngành thủy sản Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng tàu cá tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền.
Tăng số lượng, công suất tàu cá
Từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ trên 112 tỷ đồng cho 111 chủ tàu có hộ khẩu thường trú tại thành phố đóng mới 141 tàu cá theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND; đồng thời, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND đã có 489 lượt tàu cá của 429 chủ tàu được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, mua thiết bị giám sát hành trình, với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng đã hỗ trợ trên 112 tỷ đồng cho 111 chủ tàu đóng mới 141 tàu cá theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND
Theo đó, năm 2012 thành phố có tổng số 1.469 tàu cá, công suất bình quân 46,76cv/tàu, trong đó có 169 tàu từ 90cv trở lên, chiếm 11,5%, tàu công suất dưới 90cv chiếm tỷ trọng lớn (88,5%) và đa số là tàu cũ sử dụng nhiều năm. Trước hiện trạng trên, UBND TP đã ban hành Quyết định số 7068/QĐ-UBND hỗ trợ đóng mới tàu khai thác thủy sản, sau đó sửa đổi, bổ sung và thay thế bằng Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Sau hơn 7 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tổng số tàu cá của thành phố tính đến hết tháng 6-2019 là 1.243 chiếc, trong đó tàu từ 90cv trở lên có 684 chiếc, chiếm 55% (tàu từ 400cv trở lên là 560 chiếc), tàu dưới 90cv có 559 chiếc, chiếm 45%, công suất bình quân 322cv/tàu. So với năm 2012, số tàu cá từ 90cv trở lên tăng 515 tàu, công suất bình quân tăng 275,24cv/tàu. Đặc biệt, số lượng tàu dài từ 12m trở lên đã chiếm 73,8% (916/1.241 chiếc). Hiện nay, thông tin của tất cả tàu cá của TP Đà Nẵng đã cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Được hỗ trợ 800 triệu đồng từ ngân sách địa phương theo Quyết định 47 để đóng mới tàu cá, ông Nguyễn Thân (ngư dân phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã cho đóng mới tàu cá với chiều dài 21,5m. Năm 2017, tàu cá ĐNa 90969 TS của ông Thân hạ thuỷ với công suất hơn 910CV hành nghề lưới vây. Ông Thân cho biết, Nhờ chính sách của thành phố mà tôi cũng như các ngư dân khác mới tiếp cận được vốn vay để đóng mới tàu cá, nâng công suất giúp ngư dân chúng tôi vươn ra các ngư trường lớn và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Nhờ chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá có công suất từ 400cv trở lên nên hiện nay Đà Nẵng đã có đội tàu mới, công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt, vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Giá trị khai thác hải sản tăng theo từng năm, từ hơn 33 triệu/tấn năm 2012 lên hơn 51 triệu/tấn năm 2019
Tổng sản lượng khai thác hải sản mỗi năm trung bình từ 37.000 - 41.000 tấn, với tổng giá trị từ 1.658 tỷ đến gần 2.000 tỷ. Giá trị khai thác hải sản tăng theo từng năm, từ hơn 33 triệu/tấn năm 2012 lên hơn 51 triệu/tấn năm 2019. Các ngư dân đã có sự quan tâm đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá, thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm, chuyển đổi nghề khai thác có chọn lọc qua đó góp phần nâng cao giá trị khai thác.
Khai thác bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo định hướng phát triển ngành thủy sản của thành phố với đội tàu công suất lớn, khai thác xa bờ, hạn chế tối đa khai thác ven bờ; nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch và căn cứ tình hình thực tế tại thành phố, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 255/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025.
Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 255 và quy định điều kiện được hỗ trợ là tàu cá phải có tổng công suất từ 90cv trở lên, chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên, có tham gia tổ đội... đã tác động tích cực đến tổ chức hoạt động khai thác hải sản, cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác. So với tháng 8/2019, đến nay số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15m (vùng khơi) tăng 77 tàu, nâng tổng số tàu này lên 596 chiếc, chiếm 48,02%.
Bên cạnh đó, toàn thành phố cũng đã thành lập 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu thành viên; tăng 17 tổ khai thác hải sản vùng khơi và 118 tàu thành viên so với tháng 8-2019. Tổ chức mô hình tổ đội sản xuất trên biển góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân, ngoài thực hiện các chương trình giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển, thành phố sẽ tiếp tực hoàn thiện Nghị quyết 255 để phù hợp hơn với thực tiễn
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch hội nghề cá TP. Đà Nẵng nhận định, Quyết định 47 là một điểm sáng của thành phố, góp phần biến đổi bộ mặt nghề cá, từ nghề ven biển chủ yếu giã cào nay đã có quy mô, cơ cấu lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay các ngư dân Đà Nẵng đánh bắt hoàn toàn theo kinh nghiệm dân gian, học tập lẫn nhau. Chinh vì vậy, ông mong muốn thành phố nâng mức hỗ trợ chi phí thay thế hầm bảo quản hải sản lên 70% và hỗ trợ ngư dân được chuyển giao kỹ thuật đánh bắt, công nghệ hiện đại, học tập từ các nước tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời, ông Trần Chí Cường Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gần bờ cũng cần được đẩy mạnh quan tâm. Để phát triển nghề cá bền vững vùng ven bờ, thành phố cần có chính sách về tháo bảng, gỡ bảng đối với tàu cá khai thác gần bờ, ko bảo đảm được vấn đề môi trường; có chính sách để chuyển đổi ngành nghề đối với những ngư dân có nhu cầu…
Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân và nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các chính sách, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển; tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết 255 để phù hợp hơn với thực tiễn, thực hiện tốt các quy định về chống đánh bắt hải sản IUU; đẩy mạnh các gói thầu, triển khai sớm để mở rộng nâng cấp cảng cá thọ quang, cải thiện về môi trường, đẩy nhanh tiến độ bốc dỡ hàng hoá…; và các sở, ngành, quận, huyện nâng cao công tác phòng chống thiên tai và các tình huống trên biển.
(Theo báo TN&MT)