Đa dạng tiềm năng hợp tác nông nghiệp Đồng Tháp - Nhật Bản

Đồng Tháp tăng cường hợp tác và xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp với các quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, trong đó Nhật Bản là một trong những đối tác mà địa phương này hướng tới.

Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp

Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, với sản lượng lúa hàng năm đạt 3,3 triệu tấn, đứng thứ 3 trong cả nước, mang lại giá trị trên 15.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sản lượng thủy sản của Đồng Tháp đạt khoảng 400.000 tấn/năm, trong đó, sản lượng cá tra xếp thứ nhất Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng như Xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung... Những loại cây này đã và đang mang lại giá trị kinh tế cho nhà vườn. Đồng Tháp có 22.970 ha diện tích cây ăn trái cho sản lượng hơn 263.000 tấn/năm. Những vườn cây kiểu mẫu được sản xuất theo hướng chuyên canh, áp dụng tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP cho sản phẩm đạt chất lượng và độ đồng đều cao, giúp Đồng Tháp tiến tới xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng yêu cầu chế biến xuất khẩu. 

Đặc biệt, xoài Đồng Tháp đã được xuất sang các thị trường như Nhật Bản, Liên bang Nga, Hàn Quốc với lượng xuất khẩu chiếm 10% tổng sản lượng hàng năm. Trong đó, xoài chế biến (sấy, bột, nghiền, nước ép, sữa xoài...) là xu hướng mới, có nhiều tiềm năng cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp. 

Tăng cường hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản

Thời gian qua, Đồng Tháp đã tiên phong thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khai thác tối đa lợi thế do thiên nhiên ban tặng, đồng thời cùng các tỉnh Long An và Tiền Giang thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười, hướng trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông, thủy sản. 

 

doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu sản phẩm đặc thù của tỉnh Đồng Tháp.
Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu sản phẩm đặc thù của tỉnh Đồng Tháp.

Theo thống kê, qua 4 năm thực hiện Đề án, số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp rưỡi so với 6 năm trước đó. Đồng Tháp hiện dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có những dự án quy mô lớn và hiện đại như Dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0, Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giống công nghệ cao, sắp tới là Dự án Nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng châu Âu với tổng vốn đầu tư lên tới 20 triệu USD của Tập đoàn Mavin (Australia)... Đây là tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng quy mô lớn và hiện đại.

Tỉnh Đồng Tháp hiện tăng cường xúc tiến hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với các quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, trong đó Nhật Bản là một trong số những đối tác mà tỉnh quan tâm hợp tác. Đồng Tháp đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, khảo sát thị trường Nhật Bản tại các tỉnh Saitama, Ibaraki, Nagoya, Mie, Hyogo, Aichi, Osaka và Kanagawa... Đồng Tháp cũng đón nhiều đoàn doanh nghiệp, tổ chức và địa phương của Nhật Bản tới khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Qua đó, tỉnh đã ký kết nhiều chương trình, hoạt động hợp tác với các đối tác Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật nhất là hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như chế biến, bảo quản nông sản; phát triển giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao kỹ thuật sản xuất, quy trình xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản; chuyển giao công nghệ trong mô hình sản xuất rau thủy canh, nông nghiệp thông minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng Tháp còn liên doanh với các doanh nghiệp Nhật Bản cung cấp thiết bị, linh kiện, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp... 

Đồng Tháp là một trong số 02 tỉnh của Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ký thỏa thuận với chính quyền tỉnh Ibaraki (tỉnh nông nghiệp đứng thứ 2 của Nhật Bản) về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2014. Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và tỉnh Ibaraki, Đồng Tháp đã liên kết đưa 07 cán bộ, công chức tham gia các chương trình nghiên cứu, khóa huấn luyện kỹ năng tăng cường sự hợp tác nông nghiệp, khóa tập huấn về sản xuất nông nghiệp an toàn, phương thức sản xuất, hợp tác và buôn bán các sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Ibaraki. 

Phía Ibaraki cũng đã cử đoàn chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp và liên đoàn hợp tác xã đến Đồng Tháp nghiên cứu, trao đổi, đánh giá, giới thiệu về nông nghiệp của Ibaraki và tổ chức hội thảo về kỹ thuật nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Minh Triệt, Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp) cho biết, qua các chuyến khảo sát, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng nông nghiệp của Đồng Tháp và quan tâm hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này. Mới đây, Công ty Tsuno Food của Nhật Bản đã tới khảo sát dự án trích ly dầu cám tại Đồng Tháp. Trước đó, Đồng Tháp cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với Nhật Bản sản xuất bánh gạo tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (huyện Tháp Mười)... 

“Đồng Tháp hiện dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có những Dự án quy mô lớn và hiện đại.”

Hiện tại, một số công ty, đối tác Nhật Bản đang tiến hành khảo sát và triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong số này có Công ty Sougo Kaihatsu, Hokkaido với dự án đầu tư trồng lúa và hoa màu theo hướng hiện đại, chất lượng cao quy mô khoảng 10ha; Công ty Hợp tác đầu tư châu Á Daiwa với dự án về sử dụng máy móc nông nghiệp của doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. 

Trong lĩnh vực thương mại, hiện có 02 doanh nghiệp Nhật Bản là Công ty Goodlife và Yasaka ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm với HTX xoài Mỹ Xương. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn ký Biên bản hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp và kết nối đầu tư với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); ký Biên bản hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế và giáo dục với Hiệp hội Phát triển kinh tế khu vực ASEAN (ARECO) Nhật Bản...

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng chúng tôi đã xác định, kinh tế không thể phát triển, nông dân không thể làm giàu nếu không thay đổi phương thức sản xuất, không có những doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao sức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, không chỉ là mời gọi, Đồng Tháp còn áp dụng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này”. 

Theo ông Dương, trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay, Đồng Tháp xác định vai trò của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt sản xuất theo nhu cầu của thị trường, góp phần chuyển đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân trong tỉnh. Chính vì vậy, Đồng Tháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư tham gia xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ.

(Theo báo Đầu tư)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục